Tìm kế mưu sinh cho những người sống bám vỉa hè tại Hà Nội
VOV.VN - Thành phố Hà Nội cũng đang rà soát, tìm phương án hỗ trợ những người dân bị tác động bởi chủ trương này.
Cùng với việc kiên quyết xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, thành phố Hà Nội cũng đang rà soát, tìm phương án hỗ trợ những người dân bị tác động bởi chủ trương này.
Quán nước vỉa hè là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Hà Nội.
“Mong thành phố có chủ trương hỗ trợ mưu sinh”, đó là ý kiến của nhiều người dân, đặc biệt là các hộ buôn bán nhỏ, sống nhờ vào vỉa hè sau đợt lập lại trật tự đô thị của các ngành chức năng thành phố Hà Nội.
Bà Trần Thị Lan, gần 10 năm nay chuyên bán nước chè trên phố Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng cho biết, cái quán nhỏ là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng từ khi thành phố lấy lại vỉa hè, quán nước của bà cũng ngừng hoạt động. Mất nguồn thu nhập chính, cuộc sống mưu sinh của 3 thành viên trong gia đình sẽ rất khó khăn. Vui mừng về chủ trương rà soát, lên phương án hỗ trợ những hộ buôn bán nhỏ, sống dựa vào vỉa hè của ngành chức năng thành phố, bà Lan mong muốn việc triển khai cần được nhanh chóng, đúng người đúng việc.
Bà Trần Thị Lan bộc bạch: “Những đề xuất, chủ trương đưa ra theo tôi đều xuất phát từ góc rễ là mang lại quyền lợi và đời sống cho người dân được tốt hơn. Tuy nhiên phải có cái nhìn bao quát từ thực tế những người sống nhờ vào vỉa hè. Tôi cảm thấy rất lo lắng. Nhà nước nói có những chính sách hỗ trợ, nhưng theo tôi cái quan trọng là việc thực thi cụ thể”.
Tại quận Đống Đa, địa phương được thành phố Hà Nội giao thí điểm nghiên cứu hỗ trợ, chuyển đổi nghề đang tiến hành các phương án rà soát. Hiện, Công an quận Đống Đa đã tổ chức điều tra cơ bản, lập danh sách đối với các điểm bán hàng nước (nước chè, thuốc lá) do các cá nhân, hộ gia đình mở tự phát, hoạt động lấn chiếm lòng đường, hè phố trên các tuyến phố chính như Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn…, các mặt ngõ lớn có mật độ phương tiện giao thông cao.
Theo đó, quận Đống Đa có trên 600 hộ bán trà đá, khoai nướng, sắn luộc... mưu sinh ở vỉa hè, trong đó khoảng 300 hộ bán trà đá. Khảo sát cũng cho thấy, 6 trường hợp là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ; 288 trường hợp gia đình kinh tế khó khăn, không có thu nhập ổn định, phải chăm sóc, nuôi dưỡng con nhỏ, người thân bị đau ốm, bệnh tật... Ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa cho biết, chủ trương rà soát, lên phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sống dựa vào vỉa hè là việc làm hết sức cần thiết, giúp người dân bảo đảm kế mưu sinh, ổn đinh cuộc sống
Ông Nguyễn Song Hào nói: “Chúng tôi giao cho Công an phối hợp với các phòng để tổ chức khảo sát, điều tra ban đầu đối với các hộ này. Nếu có những hộ ở phạm vi, khu vực đó có thể bố trí được trong ngõ, chúng tôi sẽ lên phương án cho họ kinh doanh ở trong ngõ, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn về đời sống. Còn những trường hợp khác thì chúng tôi tiếp tục tính toán…”.
Không chỉ ở quận được chọn thí điểm là Đống Đa, một số quận, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang tổ chức thống kê các hộ kinh doanh nhỏ, khó khăn về kinh tế sau đợt tái lập trật tự vỉa hè. Tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, song song với việc đảm bảo đường thông hè thoáng, chống lấn chiếm trở lại, chính quyền cơ sở cũng đang tiến hành rà soát thực tế đời sống của những người dân bị ảnh hưởng. Theo đó, phường Minh Khai có 14 hộ gia đình cần được hỗ trợ tìm kế mưu sinh.
Ông Trịnh Lê Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng nói: “Đối với các trường hợp, đối tượng khó khăn trên địa bàn phường mà phải mưu sinh trên vỉa hè như tại một số ngõ Hòa Bình 7, Gốc Đề chúng tôi đã tiến hành rà soát. Đây là người dân lao động sống ở đây lâu năm, có những khó khăn về mưu sinh nên chúng tôi phải lên phương án, báo cáo đề xuất cấp trên để trợ giúp họ”.
Việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ, nhằm đảm bảo cuộc sống mưu sinh cho những hộ gia đình khó khăn, bị tác động bởi chủ trương giành lại vỉa hè nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đó là cũng là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài để việc lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ của các ban, ngành chức năng Hà Nội được bền vững./.
Quận 1 cẩu xe Range Rover, phá thềm gara ô tô chiếm vỉa hè
Sẽ xử lý cán bộ xã trong vụ dọn dẹp vỉa hè chặt luôn cả cây
Sau chiến dịch giành lại vỉa hè và bài toán sinh kế cho người nghèo
Bậc lên xuống sáng tạo cho nền nhà quá cao so voi vỉa hè