Tìm lại ký ức 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"
(VOV) - Để có được những thước phim, các tài liệu... những người thực hiện phải lặn lội khắp nơi trong 2 năm...
Những ngày qua, công chúng Hà Nội được sống lại thời khắc Hà Nội- những năm tháng chiến tranh 1972, đặc biệt là 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không nhờ một chuỗi những sự kiện, triển lãm, tọa đàm đã diễn ra.
Nếu như tọa đàm "Năm 1972- năm mấu chốt tháo gỡ cuộc xung đột giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" (11/10) đã đưa ra những phân tích và nghiên cứu lịch sử về những dấu mốc năm 1972, triển lãm "Hà Nội, những ngày đêm năm 1972" ( 11/10- 9/11) tái hiện những khoảnh khắc đáng nhớ nhất qua các thước phim, các bức ảnh tư liệu thì tọa đàm "Năm 1972 – Tư liệu và ký ức của người Hà Nội về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ", công chúng được trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nghe những người trong chia sẻ hồi ức của mình về 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.
Lần đầu tiên, công chúng có cái nhìn toàn diện nhất về trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử. Mười hai ngày đêm ấy không còn là những con số, những bi hùng của đất nước qua con mắt các nhà sử học. Đó còn là chút gì đó rất bình dị, gần gũi qua các bức ảnh đời thường, qua lời kể của hàng trăm nhân chứng lịch sử. Nhiều bức ảnh, nhiều câu chuyện đã khiến công chúng phải cảm động rơi nước mắt.
Ông Olivier Tessier đến từ Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), có gần 20 năm nghiên cứu về Hà Nội, là người trực tiếp điều hành, tổ chức chuỗi chương trình cho biết: "Các phim, ảnh tư liệu và các tài liệu được cung cấp từ các nguồn tài liệu khác nhau tại Việt Nam như: Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Phòng không - Không quân, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương... và tại Pháp (Viện nghe nhìn quốc gia, Cục thông tin và sản xuất nghe nhìn La Défense, Trung tâm lưu trữ Ngoại giao La Courneuve) cùng với các nguồn tư liệu của tư nhân do chủ sở hữu cung cấp (ông Jean-Marc Gravier, ông Alain Wasmes, ông Nicolas Cornet, ông Chu Chí Thành). Trong đó nhiều tài liệu chưa từng được công bố".
Những người đi tìm ký ức Điện Biên Phủ trên không
Để có được những thước phim, ảnh tư liệu, các tài liệu, để gặp gỡ, trò chuyện cùng các nhân chứng lịch sử, những người thực hiện như đại tá Nguyễn Xuân Mai, ông Olivier Tessier, nhà báo Đào Thanh Huyền, anh Đặng Đức Tuệ… đã cùng nhau lặn lội khắp nơi trong suốt thời gian 2 năm. Trong hành trình tìm lại ký ức 12 ngày đêm ấy, họ đã trải qua không ít khó khăn, vất vả nhưng cũng không ít niềm vui, niềm tự hào.
Nhà báo Đào Thanh Huyền chia sẻ: "Khi bắt đầu tìm tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi nghĩ sẽ đơn giản hơn các trận chiến khác, vì nó diễn ra trong quãng thời gian khá ngắn - 12 ngày đêm, nhưng khi bắt tay thực hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất tới 2 năm chúng tôi mới có được một hệ thống tư liệu tương đối hoàn chỉnh".
Chị Đào Thanh Huyền chia sẻ về hành trình đi tìm tư liệu của nhóm. |
Chị cho biết, đây là cuộc chiến tranh điện tử mà chúng ta không nhìn thấy kẻ thù trước mặt, chỉ nhìn thấy máy bay, bom đạn, và những hậu quả thảm khốc của nó. Hơn nữa, quãng thời gian diễn ra chiến dịch quá ngắn, trong khi quá khứ đã đi qua 40 năm, vì thế ký ức về nó rất mơ hồ, mông lung.
Tìm được nhân chứng đã khó, việc để các nhân chứng kể lại những câu chuyện của mình lại càng khó. Bởi có người, Điện Biên Phủ trên không là niềm vui, là niềm tự hào nhưng với rất nhiều người, đó là mất mát, là đau thương. Bốn mươi năm qua đi nhưng khi mỗi khi nhắc tới chiến tranh, nhiều nhân chứng vẫn không kìm được cảm xúc. Họ không đồng ý kể lại câu chuyện của họ vì với họ, mỗi lần nhắc lại là một lần đau đớn.
Chị Huyền kể: "Tôi nhớ nhất một nhân chứng ở Khâm Thiên, chị không cho chúng tôi chụp ảnh, ghi hình. Chị bảo mỗi lần xem ti vi, thấy nói về chiến tranh là tim chị lại quặn lại vì nỗi đau mất mát người thân, vì nghĩ rằng, đâu đó cũng có người phải chịu mất mát như chị". Lúc ấy, chị mới thực sự thấm thía hậu quả của chiến tranh không chỉ là những con số.
Để có được những tài liệu đáng tin cậy nhất, với những thông tin thu thập được, nhóm chị thường xuyên phải đối chiếu với lịch sử, đối chiếu thông tin giữa các nhân chứng với nhau. Những chỗ không khớp, những chỗ cảm thấy nghi ngờ, nhóm đều mang tới các nhà phân tích và nghiên cứu lịch sử nhờ kiểm định.
Anh Đặng Đức Tuệ thì đùa rằng: "Lịch sử càng tìm hiểu lại càng thấy khó hiểu". Với trận chiến Điện Biên Phủ trên không, những gì chúng ta biết đến còn quá ít. Đi nhiều, nghe nhiều câu chuyện kể, anh hiểu rằng chiến tranh với mỗi người là một hồi ức, một ấn tượng khác nhau… Chính vì thế, nên khi lựa chọn, tập hợp, xâu chuỗi những mảnh ghép ấy thành một câu chuyện liền mạnh, có ý nghĩa rất khó. Đặc biệt, phải viết như thế nào, phải hệ thống như thế nào để độc giả, những người có thể chưa từng biết đến chiến tranh có thể hình dung được một cách rõ nét nhất về cuộc chiến ấy lại càng khó hơn.
Qua hai buổi tọa đàm, một cuộc triển lãm và cuốn sách sắp ra mắt tới đây "Đối mặt với B-52 – Hồi ức Hà Nội (18/12/1972- 29/12/1972)", những người thực hiện mong muốn góp phần làm hoàn chỉnh bức tranh tổng thể của "Hà Nội những ngày đêm năm 1972", giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến đã đi qua.
Nhìn lại những gì đã làm được, anh Tuệ chia sẻ: "Với chúng tôi - những người thực hiện, vui nhất là với một sự kiện lịch sử đã đi qua cách đây 40 năm nhưng vẫn được công chúng tham gia tìm hiểu, đón nhận. Đặc biệt là các bạn trẻ, họ chưa từng biết đến chiến tranh nhưng luôn muốn tìm về quá khứ cha ông đã đi qua"./.