Bình Định nối lại xuất khẩu lao động
VOV.VN - Tỉnh Bình Định tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hoạt động xúc tiến, đào tạo lại lao động để đưa nguồn nhân lực của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.
Sau hơn 2 năm bị ngắt quãng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều lao động tại tỉnh Bình Định đã được đào tạo, đến hạn đi lao động phải tạm dừng lại. Hiện nay, các nước có thông báo tiếp nhận lao động, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Định đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hoạt động xúc tiến, đào tạo lại lao động để đưa nguồn nhân lực của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.
Những ngày này, ngành chức năng tỉnh Bình Định phối hợp các doanh nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Sau thời gian dài bị tạm dừng do dịch bệnh Covid-19, hiện nay các thị trường lao động trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Theo đó, nhiều hoạt động xúc tiến, các phiên giao dịch việc làm được mở ra để giải quyết nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người dân. Tham gia phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định phối hợp các doanh nghiệp tổ chức ở thị xã An Nhơn, chị Nguyễn Hồng Nguyên hy vọng sẽ tìm được cơ hội làm việc tại Nhật Bản.
Cũng nhờ những phiên giao dịch việc làm này, anh Trần Ngọc Lai (27 tuổi) ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định tìm được cơ hội đi làm thợ sơn xe ô tô cho một Công ty ở Nhật Bản. Anh Lai cho biết, trước đây học xong cấp 3, anh đăng ký đi xuất khẩu lao động nhưng do chưa có nghề và tìm chưa đúng phiên chợ nên phỏng vấn 2 lần đều không đạt. Sau đó, anh đăng ký theo học nghề ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với chuyên ngành sơn ô tô. Vừa qua, khi phiên chợ việc làm mở ra, anh nộp hồ sơ và đã trúng tuyển đi làm việc ở Nhật Bản.
“Tôi trúng tuyển theo diện xuất khẩu lao động đi Nhật Bản, ngành sơn ô tô. Đi xuất khẩu lao động thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở tỉnh Bình Định mình có thể biết được công ty nào uy tín chất lượng để mình lựa chọn công ty mình đi xuất khẩu lao động, không gặp phải công ty lừa đảo, hoạt động của nhà nước rất uy tín, phần đi của mình cao hơn”, anh Trần Ngọc Lai cho biết.
Theo các doanh nghiệp, năm 2022 và những năm tiếp theo, thị trường lao động tại các nước sẽ có nhu cầu cao do kinh tế đang dần phục hồi. Qua khảo sát, thị trường việc làm ở nước ngoài chủ yếu tập trung vào các ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, xây dựng và một số nghề lao động phổ thông. Các doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng cho các thị trường trong khu vực.
“Các bạn thanh thiếu niên của Bình Định có ý chí, cần cù và tay nghề, có trình độ nên đối tác Nhật Bản rất chú trọng, rất thích khi tuyển những bạn thanh niên trong độ tuổi lao động, đặc biệt ở tỉnh Bình Định”, ông Bùi Cơ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nói.
Thực tế nhiều năm qua, thanh niên tỉnh Bình Định lựa chọn con đường đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vừa có thu nhập cao, vừa nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, việc lựa chọn doanh nghiệp, đối tác đi nước ngoài là điều rất quan trọng. Do đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã phối hợp các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động, mở ra cơ hội mới cho người lao động.
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, năm nay, tỉnh Bình Định phấn đấu đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm cho 28.000 lao động trong tỉnh theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra.
“Trong bối cảnh hiện nay tình hình dịch vẫn còn phức tạp, một số công ty xuất khẩu lao động cũng đã thực hiện một số biện pháp như là 3 “on” là: phỏng vấn online, đào tạo online và giải quyết thủ tục online. Hiện nay, tỉnh đã giao cho ngành lao động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố giao chỉ tiêu 700 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài, đã phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng hơn đến các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện miền núi để họ nhận thức tốt hơn về công tác xuất khẩu lao động. Đây là 1 trong những chính sách tốt để thực hiện giảm nghèo bền vững ở địa phương”, ông Phụng cho hay./.