Bứt phá hạ tầng giao thông vùng đất Chín Rồng

VOV.VN - Những năm gần đây, hạ tầng giao thông thủy bộ vùng ĐBSCL đã được quan tâm đầu tư, mở rộng; phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của gần 20 triệu dân trong khu vực. Hạ tầng giao thông góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất này.

Công trình xây dựng đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dài hơn 51 km, đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang đến nay, đã chuẩn bị hoàn thành. Dự kiến đến dịp Tết cổ truyền năm nay, có thể sẽ thông xe. Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho rằng, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 đi qua địa bàn huyện, sẽ tạo bức phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương và khu vực càng phát triển.

“Nói chung đường cao tốc cũng như cầu Mỹ Thuận 2, là điều kiện hết sức thuận lợi cho địa phương phát triển. Không phải phát triển trong vùng của tỉnh Tiền Giang mà phát triển các tỉnh khác. Địa phương đã giải phóng mặt bằng, bàn giao cho các đơn vị thi công. Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nói chung đến giờ này ổn, còn đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận 2 đến giờ này cũng hoàn thành để bàn giao mặt bằng anh em công nhân tiếp tục thi công để nối kết các vùng”- ông Ý nói.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long hiện đã có 15 tuyến đường giao thông trọng yếu với tổng chiều dài trên 400km; trong đó có 5 tuyến quốc lộ đi qua, 10 tuyến tỉnh lộ. Hầu hết các tuyến đường này đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đảm bảo cho các loại xe thông suốt. Năm 2021, Bộ GT-VT tiếp tục khởi công đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài hơn 22 km, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành năm 2023, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.

Riêng Vĩnh Long được đầu tư khoảng 450 tỷ đồng để phát triển hệ thông giao thông tại địa phương. Đường thủy của Vĩnh Long có tổng chiều dài gần 1.000 km với 3 tuyến đường sông quốc gia đi qua gồm sông Tiền, sông Hậu, sông Măng Thít, có khả năng lưu thông các tàu có tải trọng từ 3.000-5.000 tấn, giữ vai trò hết sức quan trọng về giao thông của khu vực ĐBSCL và tỏa đi khắp nơi. 

Ông Trần Quốc Hợp, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2022, ngoài việc khởi công xây dựng dự án mới, Vĩnh Long sẽ tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư sửa chữa nâng cấp một số tuyến đường đang xuống cấp: "Tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các địa phương  để nâng cao hiệu quả của việc đầu tư. Tham mưu với UBND tỉnh tiếp cận các nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn vay ngân hàng thế giới, vay ngân hàng Châu Á và các nguồn vốn khác".

Ngoài các tuyến đường  quốc lộ, tỉnh lộ, đường tránh, vùng ĐBSCL còn có nhiều tuyến cao tốc đã và đang triển khai thi công, rút ngắn được khoảng cách và tiết kiệm thời gian đi lại. Hiện nay, hệ thống quốc lộ trong vùng ĐBSCL có tổng chiều dài gần 2.700 km, tăng 52% so năm 2002. 

Trước đây, đi ô tô từ Cần Thơ đi Kiên Giang phải mất 1 giờ 30 phút. Hiện nay, khi đường cao đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đưa vào hoạt động thì thời gian đi ô tô từ Cần Thơ - Kiên Giang chỉ còn khoảng 50 phút. Còn từ Tiền Giang đi TP.HCM trước đây bằng ô tô theo  quốc lộ 1 phải mất hơn 1,5 giờ, nhưng hiện nay đi đường cao tốc Trung Lương- TP. HCM chỉ mất hơn 30 phút. Ông Phạm Nguyên Khang, Giám đốc công ty TNHH Thép Minh Trang, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Hiện giờ giao thông thuận tiện hơn trước rất nhiều, đi tới được hết các tỉnh. Cầu kết nối hết rồi, không còn phà nữa đi rất thuận tiện. Giao thông phát triển góp phần phát triển doanh nghiệp vì vận chuyển thông thương và rút ngắn thời gian nên các doanh nghiệp phát triển hơn. Mong sắp tới có những đường cao tốc liên kết các tỉnh để nền  kinh tế liên vùng phát triển".

Về hàng không, trong vùng ĐBSCL đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không trong khu vực bao gồm Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá với tổng công suất mỗi năm 7,4 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa. Đồng thời, còn quy hoạch một số sân bay trong khu vực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, mở các đường bay trong nước và quốc tế đến Cần Thơ và Phú Quốc. 

Toàn vùng hiện có mạng lưới đường thủy nội hơn 6.100 km. Trong đó, tuyến kênh Chợ Gạo nối liền từ sông Tiền đến sông Vàm Cỏ (thuộc tỉnh Tiền Giang) là tuyến giao thông huyết mạch của vùng với TP. HCM. Tuyến kênh này đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp mở rộng  giai đoạn I và đang triển khai giai đoạn II. Hiện nay, tàu có trọng tải trên dưới 3.000 tấn đều có thể lưu thông qua lại. Ở mỗi địa phương đều có nhiều Cảng thủy nội địa có khả năng cho tàu vài nghìn tấn neo đậu bốc xếp hàng hóa. Đặc biệt, toàn vùng có 12 cảng biển với 37 bến phục vụ đắc lực cho hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. 

 

Không chỉ các tuyến đường giao thông thủy, bộ trọng yếu mà hệ thống giao thông nông thôn ở vùng ĐBSCL đã được các địa phương đầu tư, từng bước hoàn thiện. Đặc biệt, qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đường sá được trải nhựa, đổ bê tông khang trang. Ông Võ Văn Thượng, người dân xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang phấn khởi: “ Ở tỉnh Tiền Giang hiện nay đường sá, cầu rất thông thoáng, như ở đây cầu hơn 3 mét nhiều lắm. Nếu sản xuất trái cây mà không có cầu, đường rộng người dân không dám trồng cây gì hết. Bây giờ người ta bắt đầu trồng cây mít siêu sớm, cây cao sản, mình chở ra bán rất dễ thông thương. Nói chung các tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh Tiền Giang tôi thấy đường sá rất thông thoáng, lộ lớn, xe tải vô mua lúa thóc đem ra rất dễ dàng ”.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, vị trí của vùng ĐBSCL thì kết cấu hạ tầng giao thông thủy bộ của khu vực này vẫn còn hạn chế so với các khu vực khác, chưa xứng tầm. Tốc độ triển khai thi công các dự án giao thông còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra, vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải – Bộ GT-VT, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Việc kết nối giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ hiện nay đang là điểm “nghẽn” về giao thông. Nếu tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cà Mau được hoàn thành vào năm 2030 sẽ là động lực để phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL.

Ông Lê Đỗ Mười cho rằng, nếu chúng ta thông được tuyến từ TP. HCM đến Cà Mau vào năm 2030, đó là bước đột phá lớn của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, lễ Tết chúng ta nhìn thấy những điểm tắc nghẽn ở tại những cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu. Chúng ta thấy đó là nỗi ám ảnh, khi lễ Tết chúng ta lại chứng kiến được như thế. Đến 2025 chúng ta sẽ nhìn thấy một bức tranh khác hoàn toàn và như thế nó có thể thu hút được tất cả các nhà đầu tư để phát triển những vùng gọi là vùng hạn chế vùng ĐBSCL, đặc biệt khu vực Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau phát triển hơn nữa và thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn.

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới diễn ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc nhằm đưa vùng đất đầy tiềm năng này phát triển cùng cả nước. Trước mắt một số dự án giao thông sẽ được Chính phủ ưu tiên đầu tư: cầu Rạch Miễu 2, cao tốc TPHCM đến Cà Mau (trục dọc) và các cao tốc trục ngang như An Hữu - TP. Cao Lãnh, cầu Vàm Cống - Rạch Giá, Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề... và 7 tuyến quốc lộ trong vùng.

Với sự quan tâm của Đảng- Nhà nước- Chính phủ, các bộ ngành TW, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân vùng ĐBSCL về đầu tư thời gian qua cũng như hướng tới, đã từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, liên kết vùng, liên vùng. Tin rằng giao thông phát triển sẽ là động lực thúc đẩy tình hình kinh tế- xã hội của khu vực này không ngừng vươn lên hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trăn trở với Đồng bằng sông Cửu Long
Trăn trở với Đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN -Hơn 20 năm ở vùng ĐBSCL, những phóng viên VOV không ngại khó khăn gian khổ đi mọi miền kênh rạch để cho ra đời những tác phẩm chân thực, sống động nhất.

Trăn trở với Đồng bằng sông Cửu Long

Trăn trở với Đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN -Hơn 20 năm ở vùng ĐBSCL, những phóng viên VOV không ngại khó khăn gian khổ đi mọi miền kênh rạch để cho ra đời những tác phẩm chân thực, sống động nhất.

Sụt lún đang là thách thức lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long
Sụt lún đang là thách thức lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long

VOV.VN -Trong 25 năm qua, tốc độ sụt lún đất trung bình của toàn đồng bằng là 18cm, có những điểm trên 30cm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sụt lún đang là thách thức lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long

Sụt lún đang là thách thức lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long

VOV.VN -Trong 25 năm qua, tốc độ sụt lún đất trung bình của toàn đồng bằng là 18cm, có những điểm trên 30cm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán
Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán

VOV.VN - Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, hàng nghìn ha sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vú sữa đã cháy lá và sẽ chết nếu nắng hạn kéo dài.

Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán

Vựa trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long nguy cấp vì hạn hán

VOV.VN - Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, hàng nghìn ha sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vú sữa đã cháy lá và sẽ chết nếu nắng hạn kéo dài.