Các địa phương chung tay góp gạo thổi cơm, hỗ trợ xe khách đưa người về quê
VOV.VN - Khi dòng người từ các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đi xe máy về quê, các địa phương dọc Quốc lộ 1 chung tay góp gạo thổi cơm, hỗ trợ xe khách đưa người về quê qua địa bàn được an toàn, thuận tiện.
Quảng Bình huy động 34 ô tô khách và xe tải chở bà con đi bộ, xe máy qua địa bàn
Phóng viên Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung thông tin: Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Bình đã điều động 34 xe ô tô hỗ trợ đồng bào đang đi bộ về quê qua địa phận Quảng Bình, giúp bà con rút ngắn thời gian di chuyển qua địa bàn tỉnh.
Trong 2 ngày 5 và 6/10, hơn 1000 người dân đi bộ về quê qua tỉnh Quảng Bình đã được tỉnh này hỗ trợ xe ô tô chở qua địa phận, đến khu vực giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh bố trí ô tô chở ra Nghệ An và các tỉnh phía Bắc. Trước đó, những người này đi bộ về quê được lực lượng chức năng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị chở ra bằng xe khách đến địa phận Quảng Bình.
Đối với những người chạy xe máy về quê đến chốt kiểm dịch Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình đã dẫn đường để người dân di chuyển thuận lợi. Trong những ngày qua, khoảng 20.000 người đi xe máy qua địa phận tỉnh Quảng Bình. Các hội đoàn thể của địa phương đã tiếp tế hơn 20.000 suất ăn, nước uống, sữa, bánh trái cho bà con về quê bằng xe máy.
Thượng tá Trần Đức Dương, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Bình cho biết: “Người đi bộ về quê khi đến các tỉnh thì tỉnh sẽ huy động các xe khách để đưa đến khu vực giáp ranh tỉnh khác. Tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị xe khách để chở bà con ra Hà Tĩnh. Đối với các đoàn xe máy đi qua chốt thì lực lượng sẽ hỗ trợ nước uống, thức ăn, đối với người Quảng Bình thì sẽ vào khai báo y tế, đưa đi cách ly tập trung, còn những người tỉnh khác thì tập trung thành đoàn, dùng xe cảnh sát để dẫn đường hộ tống cho bà con đi sang tỉnh khác, tạo điều kiện giúp bà con về đến nhà an toàn”./.
Quảng Trị sẽ đón 500 người ở các tỉnh phía Nam về quê đợt thứ 3
Theo phóng viên Đình Thiệu/VOV-Miền Trung: Hôm nay (7/10), UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tham mưu phương án đón công dân Quảng Trị ở các tỉnh phía Nam về quê đợt thứ 3.
Đối tượng được ưu tiên đưa về quê trong đợt 3 là người Quảng Trị đang lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh lân cận hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguyện vọng về quê. Trong đó, ưu tiên phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật, người ốm đau, người già.
Những ngày qua, dòng người từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trong đó có người dân Quảng Trị trở về quê bằng xe gắn máy rất đông. Trong số những người vừa trở về Quảng Trị đã phát hiện 18 trường hợp mắc Covid-19 và đưa đi điều trị.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị tổ chức 2 đợt đón 900 công dân tỉnh Quảng Trị đang sống tại các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do Covid-19 về quê bằng tàu hỏa. Ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay, công dân tỉnh Quảng Trị ở phía Nam có nhu cầu về quê rất lớn, dự kiến đợt 3 sẽ đón khoảng 500 người về quê bằng tàu hỏa.
“Hôm nay, Sở đã làm văn bản gửi cho các địa phương khảo sát nhu cầu, trên cơ sở đó mình lọc lại danh sách. Số lượng đưa về có giới hạn, đối tượng chủ yếu phụ nữ mang thai, người đi chữa bệnh, phụ nữ nuôi con dưới 6 tuổi, học sinh đi vào miền Nam bị kẹt lại và người già", ông Hồng cho biết./.
Phú Yên lập điểm dừng chân tiếp sức người dân từ các tỉnh phía Nam về quê
Phóng viên Thanh Thắng/VOV-Miền Trung thông tin: Ngày 7/10, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên đã thiết lập và đưa vào hoạt động điểm dừng chân tập trung trên Quốc lộ 1A qua địa bàn nhằm hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam về quê đi qua địa phận tỉnh Phú Yên.
Địa điểm dừng chân tập trung này đặt tại ga Hòa Đa, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Người dân từ các tỉnh phía Nam khi di chuyển đến điểm dừng chân tập trung này sẽ được hỗ trợ nước uống, đồ ăn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tại đây đều phải mặc đồ bảo hộ, tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19. Trường hợp người dân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được test nhanh và cách ly y tế theo quy định.
Những ngày gần đây, dọc Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Phú Yên, một số tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện đã tổ chức hoạt động hỗ trợ như: cấp nước uống, thức ăn, sửa chữa xe, cấp xăng miễn phí…
Tại điểm dừng chân mới thiết lập này, hàng trăm suất ăn, nước uống đã được các tình nguyện viên trao tận tay người dân. Ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã Hội tỉnh Phú Yên cho biết, tại địa điểm dừng chân, lực lượng y tế ứng trực 24/24, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 khi tiếp đón bà con.
“Địa điểm này để bà con về trên đường dừng chân. Tỉnh Phú Yên sẽ vận động các nhà tài trợ hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chính quyền địa phương cũng cử một tổ công tác thường xuyên trực chiến tại điểm dừng chân, vừa tiếp nhận các phần hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời phân phát ra, chuẩn bị các phần ăn, suất ăn, nước uống cung cấp cho bà con. Khi người dân đến điểm dừng chân đó”, ông Binh cho biết./.
TP.HCM vận động người dân đăng ký với chính quyền để tổ chức về quê
Phóng viên Duy Phương/VOV-TP.HCM cho biết: Sáng 7/10, tổ Đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 2 có buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, Quận 3 và quận Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện cử tri Phường 24, quận Bình Thạnh nêu vấn đề người lao động về quê ồ ạt sau giãn cách xã hội. Nguyện vọng về quê của người dân là chính đáng, do đó để quản lý chặt chẽ, tránh làm lây lan dịch bệnh và gây áp lực cho địa phương nơi người dân về, các cơ quan chức năng tại TP.HCM cần chủ động nắm bắt, tổ chức xe đưa đón và xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn.
Trả lời cử tri, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến – Bí thư Quận uỷ Quận 1 cho biết: điều kiện đời sống đô thị khác với điều kiện đời sống ở vùng nông thôn các tỉnh khác. Do đó, tâm lý muốn trở về quê khi việc làm gặp khó khăn là vấn đề cần chia sẻ với người dân. Tuy nhiên, việc người dân tự phát về quê thành từng đoàn đang gây khó khăn cho các tỉnh thành.
Hiện nay TP đã chỉ đạo triển khai tất cả quận huyện, phường xã làm sao vận động để người dân đăng ký với chính quyền địa phương. Từ đó, TP có sự phối hợp với các tỉnh thành để tổ chức cho người dân về quê an toàn.
"Theo đánh giá của cá nhân tôi, hiện nay số lượng người dân đăng ký thông qua các hệ thống mà chính quyền đang triển khai còn ít, mà người dân tự đi về thì nhiều hơn. Chúng ta tiếp tục tuyên truyền để người dân muốn trở về quê thì đăng ký. Từ đó tổ chức đang hoàng chu đáo, vừa đảm bảo an toàn cho cá nhân người dân, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cho các địa phương", đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến cho hay./.
Các tỉnh ĐBSCL tổ chức cách ly chu đáo cho hàng nghìn người dân từ ngoài tỉnh về quê
Nhóm phóng viên Nhật Trường, Hồng Phương, Sa Oanh/VOV-ĐBSCL cho biết: Trước nhu cầu của người dân từ ngoài tỉnh về quê tránh dịch Covid-19, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi; tổ chức cách ly y tế cho hàng nghìn trường hợp này đảm bảo thuận lợi, an toàn dịch bệnh.
Qua 3 đợt tổ chức phương tiện đến thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre đã đón rước hơn 2.500 người về quê an toàn. Trong đó, ưu tiên cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người bệnh tật. Các trường hợp này đã được xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 và cách ly tập trung 07 ngày mới trở về gia đình. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre còn tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung cho hơn 2.000 người dân Bến Tre từ các nơi ngoài tỉnh về quê tự phát. Việc bố trí về cách ly tại các địa phương trong tỉnh được tổ chức chu đáo, các trường hợp nhiễm bệnh được đưa đi điều trị.
Theo UBND tỉnh Bến Tre hiện nay, số lượng người dân còn ngoài tỉnh rất nhiều, nhất là Tp. HCM, do đó tỉnh tiếp tục tổ chức các chuyến xe đón rước. Tỉnh dự kiến sẽ có khoảng 5.500 người về quê, nên chủ trương của UBND tỉnh là sẽ trưng dụng các trường tiểu học làm điểm cách ly.
Trước mắt, tỉnh Bến Tre bố trí 3 điểm cách ly với khoảng 1.000 người gồm: Trung đoàn 895 (tại huyện Giồng Trôm), Trường Cao đẳng Đồng Khởi (tại huyện Giồng Trôm), Trường Cao Đẳng Bến Tre (tại TP. Bến Tre). Riêng mỗi huyện chuẩn bị phục vụ cách ly cho ít nhất 500 người. Đối với người già bệnh, phụ nữ sắp sinh và trẻ em nhỏ cho cách ly tại nhà, giao ngành y tế địa phương theo dõi chặt các trường hợp này.
Tính từ ngày 30/9 đến chiều ngày 6/10, có trên 8.000 người từ các vùng dịch về thành phố Cần Thơ. Trong đó chủ yếu là từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai và Long An. Qua xét nghiệm phát hiện trên 50 F0, thành phố đã cách ly tập trung trên 1.200 người. Để đảm bảo công tác kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức tiếp nhận người dân Cần Thơ trở về từ vùng dịch.
Thành phố Cần Thơ duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào. Tại đây, cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm nhanh cho người dân; kiểm tra giấy tờ tùy thân, xác định quê quán, nơi ở của người dân; Kiểm tra chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thông qua phần mềm hoặc giấy chứng nhận để phân theo nhóm những người (đã tiêm 2 mũi, 1 mũi và chưa tiêm)…
Những người đã tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh), tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày. Người tiêm chưa đủ liều thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày. Người chưa tiêm vaccine thực hiện cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về; tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Những người đã tiêm chủng vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Ngày 7/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, ông vừa ký ban hành Kế hoạch đón phụ nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu trở về địa phương.
Theo đó những phụ nữ mang thai từ 8 tháng tuổi trở lên và một người là thân nhân chăm sóc sản phụ (hộ khẩu thường trú Trà Vinh) có nguyện vọng về quê thì làm đơn đăng ký gửi Ban Liên lạc Hội đồng hương Trà Vinh tại TP.HCM. Đơn đăng ký kèm theo giấy xác nhận đang mang thai từ 8 tháng tuổi trở lên của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Ngoài ra, trường hợp trở về phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi trở về địa phương. Khi về đến tỉnh phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định; đồng thời, cam kết sau khi hoàn thành cách ly tập trung, có người nhà đón về chăm sóc tại nơi cư trú. Tỉnh sẽ tiếp nhận danh sách từ nay đến hết ngày 15/10. Sau đó tổ chức phương tiện lên đón tại các điểm tập trung.
Từ 1/10 đến nay Trà Vinh đã tiếp nhận hơn 14.300 công dân từ các tỉnh, thành trở về địa phương. Tất cả những người về địa phương đều được sàng lọc, được bố trí cách ly theo quy định; đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng chăm lo chu đáo, đảm bảo an sinh cho bà con. /.