Các địa phương tiếp tục hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch Covid-19
VOV.VN - Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương trên cả nước tiếp tục nỗ lực phòng chống dịch, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Phú Yên tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 15/8
Theo phóng viên Thanh Thắng/VOV-Miền Trung, ngày 5/8, UBND tỉnh Phú Yên có công văn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn đến hết ngày 15/8.
Trước đó, tỉnh này thực hiện Chỉ thị 16 toàn tỉnh từ ngày 23/7 đến nay. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Phú Yên tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 15/8.
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương chủ động đánh giá tình hình, xác định mức độ nguy cơ trên địa bàn để có giải pháp ứng phó phù hợp trên tinh thần cao hơn một mức, sớm hơn một bước. Đồng thời, tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để triển khai quyết liệt các giải pháp sàng lọc, mở rộng các vùng xanh, từng bước thu hẹp các vùng phong tỏa, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu các ngành và địa phương tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các nguyên tắc về giãn cách xã hội và tuân thủ các quy định trong phòng chống dịch Covid-19.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết:“Trong vấn đề truy vết và xét nghiệm, chúng tôi sẽ tăng tốc truy vết xà xét nghiệm. Với năng lực hiện có thì khả năng truy vết và xét nghiệm có thể bảo đảm được. Vì vậy, trong thời gian tới truy vết diện rộng, truy vết theo kiểu lấy mẫu gộp và cũng có thể chúng tôi lấy mẫu đại diện chẳng hạn để nhanh chóng hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm theo từng địa bàn”.
Phú Yên, Khánh Hòa tập trung kiểm soát dịch bệnh Covid-19
Theo phóng viên Thái Binh,Thanh Thắng/VOV-Miền Trung, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại 2 tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù nhiều địa phương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng số ca mắc mới liên tục tăng, trong đó nhiều ca xảy ra ngoài cộng đồng. Nguyên nhân là một số nơi còn tình trạng “ngoài chặt trong lỏng” ở một số khu phong tỏa. Hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đang đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm, hướng tới sàng lọc diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi địa bàn, xây dựng các khu dân cư an toàn.
Đến ngày 5/8, tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 1.611 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đáng lo ngại là số ca nhiễm trong cộng đồng còn nhiều, số người lây nhiễm trong khu vực chợ, khu công nghiệp xuất hiện tại nhiều điểm. Mối lo mới là những người dân dương tính với SARS-CoV-2 từ các tỉnh, thành phía Nam vừa trở về quê tránh dịch.
Ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đang tập trung lấy mẫu diện rộng, sàng lọc trong cộng đồng.
“Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu. Đặc biệt đang tận dụng giãn cách xã hội theo quyết định của UBND tỉnh, đây là thời gian vàng để mà thực hiện các biện pháp sàng lọc trong cộng đồng. Ngoài các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa thì phương án lấy mẫu trên diện rộng trên địa bàn tỉnh cũng đang được tính tới để sớm có những vùng gọi là vùng xanh trong vấn đề phòng chống dịch”, ông Huỳnh Lê Xuân Bích thông tin.
Tại tỉnh Khánh Hòa, sau 4 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh đã kiểm soát được tình hình dịch ở thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, dịch bệnh tại thành phố Nha Trang vẫn hết sức phức tạp và đang bùng phát tại một số địa phương khác như các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, thành phố Cam Ranh.
Đến ngày 5/8, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 2.900 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố xác định rõ mức độ nguy cơ dịch bệnh của từng thôn, tổ dân phố. Trên cơ sở đó, chính quyền có biện pháp siết chặt các khu vực phong tỏa tạm thời, hạn chế người dân ra đường.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Mình phải làm sao để bảo vệ vùng xanh, từ đó mình phát triển dần, mở rộng dần cái vùng đó ra. Biện pháp là Tổ Covid cộng đồng phát huy được ở những vùng đó. Tổ như vậy phải quản lý, luôn luôn theo dõi 30 hộ gia đình này, ai có triệu chứng gì thì phải bóc ra ngay. Chủ yếu là lọc được F0, bóc ra được những người có nguy cơ ra khỏi thì vùng đó sẽ xanh”.
Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa phê bình, kiểm điểm 1 số tập thể, cá nhân ở thành phố Nha Trang chưa quyết liệt trong phòng, chống dịch. Thường trực Tỉnh ủy phân công Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều phối công tác cứu trợ, phân phối, cung ứng lương thực thực phẩm cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, cần quan tâm hỗ trợ người lao động tự do, người khuyết tật, công nhân bị mất việc làm trong các khu nhà trọ và công nhân hoàn cảnh khó khăn tại các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”.
“Phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn với Covid-19, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thật là cụ thể, rõ ràng. Có cơ chế chính sách để khuyến khích vùng này, có quy định về chế tài. Có quy định về phân công lực lượng nòng cốt, phân công các lực lượng đến. Chỉ thị 16 thì phải thực hiện đến tận Thôn, Tổ dân phố”, ông Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk vận động hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19
Theo CTV Thanh Hải/VOV-Tây Nguyên, hôm nay (5/8), Hội phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp đơn vị tài trợ đã trao tặng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho 3 đơn vị trực thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk.
3 đơn vị tiếp nhận vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đợt này gồm: Bệnh viện Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát cơ động và Trại tạm giam. Trung tá Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Hội phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức vận động các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tham gia ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế và tiền mặt để hỗ trợ các đơn vị phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đợt này, Hội trao tặng 30 triệu tiền mặt, 15.000 khẩu trang, 1.500 kính chống giọt bắn, 9 máy khử khuẩn, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
Tiếp nhận sự hỗ trợ đợt này, Thượng tá Huỳnh Thanh Bình, Trưởng phòng PC11 (Giám thị Trại tạm giam), Công an tỉnh tỉnh Đắk Lắk nói: “Đây là quan tâm sự động viên rất lớn, rất có ý nghĩa đối với cán bộ chiến sĩ chúng tôi đang ngày đêm thực hiện tốt công tác chuyên môn, đảm bảo an toàn trại giam. Đồng thời, chung tay đảm bảo dịch COVID-19. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ quyết tâm hơn, làm thế nào đó vừa đảm bảo công tác chuyên môn vừa thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của các cấp để làm đẩy lùi dịch bệnh, mong muốn cuộc sống của cán bộ chiến sĩ và xã hội được bình yên”.
Lâm Đồng hỗ trợ 5 tỷ cho người dân tại TP.HCM khắc phục khó khăn trong đại dịch
Phóng viên Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên cho biết, chiều 5/8, Ban cứu trợ tỉnh Lâm Đồng quyết định trích 5 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc sử dụng Quỹ cứu trợ của tỉnh để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP.HCM, Ủy Ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng đã quyết định hỗ trợ 5 tỷ đồng cho nhân dân TP.HCM, trong đó có nhân dân của tỉnh Lâm Đồng đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Việc hỗ trợ này thông qua Ủy Ban MTTQVN TP.HCM tiếp nhận và phân bổ trực tiếp cho các đối tượng.
Cùng với việc hỗ trợ lần này, trước đó, các tổ chức chính trị xã hội, MTTQVN và cơ quan các đoàn thể, các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều đợt quyên góp, hỗ trợ nông sản và các nhu yếu phẩm cho người dân ở các vùng dịch.
Chỉ tính trong nửa tháng qua, những “Chuyến xe hỗ trợ nông sản về vùng dịch Covid-19” từ Lâm Đồng đã mang theo hàng trăm tấn rau, củ, quả chất lượng cao đến với người dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Kiên Giang tiếp nhận tài trợ trang thiết bị y tế phòng chống dịch gần 19 tỷ đồng
Theo phóng viên Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL, chiều 5/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Kiên Giang làm lễ tiếp nhận tài trợ máy móc, vật tư y tế, trang thiết bị, sinh phẩm trong phòng chống dịch của 4 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá hơn 18 tỷ đồng.
Tập đoàn Sungroup tài trợ thiết bị xét nghiệm RT-PCR và vật tư y tế trị giá gần 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang tài trợ 500.000 que lấy mẫu tiệt trùng, 100.000 ống môi trường vận chuyển virus với tổng trị giá 5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang ủng hộ vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 trị giá hơn 3 tỷ đồng và Công ty Cổ phần cơ khí Kiên Giang hỗ trợ 700 bộ đồ bảo hộ y tế.
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã gây xáo trộn rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của tất cả mọi người dân. Để có thể kịp thời phát hiện và tách F0 ra khỏi cộng đồng là một yêu cầu rất bức thiết, đòi hỏi một nguồn lực lớn để có thể thực hiện được. Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay thì sự chung tay đóng góp kịp thời của các doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch là rất quý báu. Từ đầu tháng 5 đến nay, Kiên Giang đã nhận được sự chung tay đóng góp gần 100 tỷ đồng gồm tiền mặt, máy móc, vật tư y tế tiêu hao, sinh phẩm hoá chất.
“Hiện nay tỉnh đã có 14/15 huyện, thành phố có ca nhiễm ngoài cộng đồng, trong đó có những ca nhiễm ở địa phương trong vòng kiểm soát, còn 1 số ca vẫn đang quyết liệt truy vết để dập dịch. Yêu cầu tổ chức xét nghiệm trên diện rộng mỗi ngày bằng kỹ thuật realtime PCR gần 2.000 mẫu. Nếu tính luôn test nhanh thì cũng khoảng 1.000 mẫu/ngày nên nguồn lực đòi hỏi rất lớn. Hôm nay chúng tôi nhận được sự đóng góp rất quý báu của các nhà tài trợ, mong rằng trong thời gian tới quý vị tiếp tục đồng hành trong công tác phòng chống dịch cùng địa phương”, ông Nguyễn Lưu Trung chia sẻ.
Không chỉ hỗ trợ vật tư y tế cho tỉnh, dịp này Công ty Cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang còn trao tặng 2.000 phần quà trị giá hơn 600 triệu đồng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở TP Rạch Giá và huyện Vĩnh Thuận. Trong đó, 700 suất quà hỗ trợ TP Rạch Giá đã được chuyển về cho các phường để phân phát đến tận tay cho người dân. Chiều nay, Công ty vận chuyển 1.300 suất quà gồm gạo, mì tôm và một số nhu yếu phẩm khác cho huyện Vĩnh Thuận để phân phát cho người dân, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trước mắt vì dịch bệnh.
Lào Cai đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 an toàn
Theo phóng viên An Kiên, Vân Anh/VOV-Tây Bắc, xác định tiêm vaccine phòng Covid-19 là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh đã và đang được đẩy mạnh tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai trên tinh thần nhanh chóng, hiệu quả, an toàn đặt lên hàng đầu.
Điểm tiêm Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai mỗi ngày có hàng trăm người tới tiêm chủng. Những người đến tiêm đều phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc 5K, đặc biệt qua khám sàng lọc sức khỏe kỹ lưỡng mới được tiến hành tiêm. Nhiều trường hợp sau khi đủ thời gian đã tới lượt tiêm mũi 2.
Anh Ninh Văn Tú, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Mũi 1 tôi tiêm Astra, mũi 2 tiêm Pfizer, ở đây rất tốt, khám sàng lọc các bác sĩ hướng dẫn rất tận tình, đảm bảo phòng dịch, sau tiêm mũi 2 tôi thấy rất nhẹ nhàng, không có biểu hiện gì cả”.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết, toàn bộ quy trình tiêm đều đòi hỏi tính chuyên môn cao, việc hạn chế thấp nhất rủi ro, tiêm mũi nào an toàn mũi đấy là mục tiêu cao nhất nên công tác chuẩn bị phải bài bản, nghiêm túc.
“Khi khám sàng lọc chúng tôi đã giải thích rất rõ dấu hiệu có thể xảy ra sau tiêm, sau tiêm theo dõi 30 phút đến 1 tiếng, chúng tôi chuẩn bị sẵn mỗi bàn tiêm ống thuốc Adrenaline chống sốc phản vệ khi có dấu hiệu phản ứng với thuốc thì xử lí ngay, tránh để tình trạng xấu”, bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ.
Hiện Lào Cai đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 14 điểm trong toàn tỉnh. Ngành y tế địa phương cũng đã rà soát, đánh giá và dự kiến mở rộng thành 171 điểm ra cả các tuyến xã trong thời gian tới. Các phương án dự trù, tiếp nhận, phân phối vaccine, vật tư tiêm chủng, thực hành đảm bảo an toàn tại tất cả các điểm tiêm đều đã sẵn sàng.
Ông Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết: “Tất cả các y bác sĩ đều được tham dự lớp tập huấn an toàn tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm; yêu cầu sắp xếp vị trí bàn tiêm thuận lợi, đảm bảo quy tắc 1 chiều; các phòng theo dõi sau tiêm đều được trang bị đầy đủ các bình ô xy, phương tiện cấp cứu cần thiết, đảm bảo xử trí ban đầu cho mỗi trường hợp khi có phản ứng xảy ra”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã tiếp nhận gần 70.000 liều vaccine, gồm 4 nhóm AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell, trong đó, 65.000 người đã được tiêm chủng, chiếm gần 8% dân số.
Theo kế hoạch từ nay đến tháng 4/2022, Lào Cai sẽ hoàn tất tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 520.000 người, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các nhóm nguy cơ bị lây nhiễm cao.
Sóc Trăng khởi động bếp ăn nghĩa tình hỗ trợ đội ngũ y tế và bệnh nhận
Phóng viên Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL thông tin, ngày 5/8, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đã khởi động bếp ăn nghĩa tình, nấu cơm tặng đội ngũ y tế và bệnh nhận tại Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng. 3 bếp ăn nghĩa tình được tổ chức tại chùa Hương Sơn, Thiền viện Trúc Lâm và nhà xe Tâm Phong ở Bến xe Sóc Trăng. Mỗi ngày các bếp này sẽ nấu 2.600 suất ăn chay và mặn để gửi vào Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân cùng người nhà bệnh nhân đang cách ly tại đây.
Trước đó, ngày 2/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng Quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Thời gian áp dụng trong vòng 14 ngày, kể từ 17h ngày 2/8/2021
Hòa thượng Thích Minh Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, khi hay tin Bệnh viện đa khoa tỉnh phải thiết lập vùng cách ly y tế do có ca nhiễm Covid-19, ngoài lực lượng y tế thì bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng phải cách ly theo quy định với tổng số lượng 1.300 người. Phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã phát động kêu gọi những tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung tay khởi động bếp ăn nghĩa tình, nhằm “tiếp sức” cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ người dân trong bệnh viện, giúp nhau cùng vượt qua dịch bệnh.
“Hành động này của chúng tôi với mong muốn góp 1 phần nhỏ trong việc hưởng ứng phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn của tỉnh, cũng như là góp phần ủng hộ, giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân cũng như là những người đang nuôi bệnh nhân. Qua đây chúng tôi cũng xin nói lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh, huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh đã quan tâm giới thiệu, ủng hộ các đơn vị, các nhà hảo tâm, ủng hộ rau, củ, quả, cũng như các vật phẩm khác để cho bếp ăn từ thiện phục vụ suốt thời gian cách ly 14 ngày đạt được hiệu quả”, Hòa thượng Thích Minh Hạnh chia sẻ.
Bếp ăn nghĩa tình sẽ hoạt động đến khi nào Bệnh viện đa khoa tỉnh hết thời gian cách ly, dự kiến sẽ có gần 29.000 suất ăn sẽ được nấu và chuyển đến tay đội ngũ y tế và bệnh nhân trong 11 ngày, tổng kinh phí gần 600 triệu đồng.
Cần Thơ khởi hành chuyến xe "San sẻ yêu thương" đến TP.HCM
Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL cho biết, ngày 5/8, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ đã khởi hành chuyến xe “San sẻ yêu thương” đến TP.HCM. Đây là hoạt động nằm trong chương trình lớn “San sẻ yêu thương” mà LĐLĐ đã tổ chức hơn 1 tháng qua.
Ban thường vụ LĐLĐ đã chi từ nguồn tài chính của đơn vị hơn 100 triệu đồng để mua 4 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm chất lên chuyến xe gồm 3 tấn gạo, 10.000 trứng vịt, 300 thùng mì và 750 hộp cá mòi.
Để thuận tiện thu gom hàng hóa, cán bộ, nhân viên LĐLĐ TP Cần Thơ đã chủ động phương tiện đến từng hộ gia đình, cửa hàng thu mua và chở về cơ quan. Cùng với đó, một số bà con cũng nhiệt tình trực tiếp chở hàng hóa đến điểm tập kết. Nhiều người bán đã lấy giá thấp hoặc bằng giá vốn, nhằm ủng hộ cho hoạt động ý nghĩa này.
Theo bà Huỳnh Thị Hiền, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TP Cần Thơ, đây là hàng hóa hỗ trợ thiết thực của cán bộ, nhân viên LĐLĐ Cần Thơ gửi đến LĐLĐ TP.HCM nhằm đồng hành cùng người lao động vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19; giúp nâng cao chất lượng các suất ăn phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu cách ly. Ban tổ chức chuyến xe cũng phối hợp với các ngành chức năng đảm bảo việc di chuyển và trao tặng hiệu quả, an toàn, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Món quà tuy nhỏ nhưng cũng rất mong chia sẻ được phần nào khó khăn về lương thưc, thực phẩm cũng như nhu yếu phẩm thiết yếu đối với công nhân lao động TP.HCM. Riêng đối với hoạt động của LĐLĐ TP Cần Thơ trong việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động của TP Cần Thơ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để san sẻ những nhu yếu phẩm hay hỗ trợ kịp thời bằng tiền cho những người lao động đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly, cũng như trong nhà trọ mất việc làm”, bà Huỳnh Thị Hiền chia sẻ./.