Các tuyến đê chính của Bắc Giang ổn định, bảo đảm an toàn
VOV.VN - Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, đến sáng 12/9, các tuyến đê chính cấp II, III và IV đã ổn định, bảo đảm an toàn.
Toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 150 km đê. Tại một số tuyến đê cấp V (đê bối, bờ bao, bờ vùng…), đã nước bị tràn qua mặt đê gây ngập, ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, nhà dân thuộc các xã: Vũ Xá, Cương Sơn, Đan Hội, Huyền Sơn, Tam Dị, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam); khu vực xã Hợp Thịnh, Mai Trung (Hiệp Hòa); xã Vân Hà (thị xã Việt Yên), xã Đông Sơn, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế).
Trên hệ thống đê tả Cầu đã xuất hiện một số mạch đùn, mạch sủi tại các vị trí: K7+950 thuộc xã Quang Minh; tại K30+300 thuộc xã Mai Đình (cùng huyện Hiệp Hòa); tại K43+600 thuộc xã Tiên Sơn (thị xã Việt Yên). Tại K12+250 thuộc xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) xảy ra sạt trượt mái đê phía sông.
Ngay sau khi kiểm tra, phát hiện sự cố, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN ) các địa phương liên quan đã chỉ đạo tập trung lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ khắc phục ngay từ giờ đầu.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã khắc phục xong sự cố kênh kẹt cánh cống Đa Hội 2, đê tả Cầu, xã Hợp Thịnh; đắp con trạch chống tràn với chiều dài 25 m tại vị trí thấp ở K53+500 thuộc tuyến đê tả Cầu (giáp với quốc lộ 1A cũ); xử lý 2 mạch sủi trên trên tuyến đê tả Thương (TP Bắc Giang); khắc phục sự cố sạt lở khoảng 200m đê bối tại thôn Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên).
Theo ông Khổng Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bắc Giang, hiện nay, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đang rất cao, vì vậy cần tập trung cao bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và các công trình hồ đập. Để kịp thời ứng phó với sự cố về đê điều, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát để sớm phát hiện sự cố và xử lý ngay từ giờ đầu (lưu ý hệ thống đê điều ven sông Cầu và sông Thương).
Các địa phương kiểm tra vật tư, trang thiết bị dự phòng phòng chống thiên tai (PCTT); tổ chức trực ban nghiêm túc, phát quang cây cối mái đê, mái kè; cấm các phương tiện cơ giới lưu thông trên các tuyến đê. Đối với các đê bối cần chủ động tháo cống hoặc tràn cho nước vào, không tôn cao thêm để giảm áp lực cho các tuyến đê chính.
Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết hoặc dự báo của cơ quan chuyên môn về thủy văn có biện pháp điều chỉnh tăng hay giảm lực lượng tham gia cứu hộ đê; nhận định các nguy cơ phải sẵn sàng di dời dân để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Riêng tại huyện Hiệp Hòa, chính quyền địa phương đã chỉ đạo 14 xã ven đê tả Cầu cử người canh gác cả ngày lẫn đêm, thường xuyên kiểm tra toàn bộ tuyến đê; khi có dấu hiệu bất thường (sạt trượt, mạch đùn, mạch sủi, nước tràn đê...) phải kịp thời xử lý giờ đầu, đồng thời báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện để chỉ đạo, giải quyết.
Chủ động rà soát, chuẩn bị ngay các phương án, phương tiện, dụng cụ, vật chất để sẵn sàng phục vụ cứu hộ đê; không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Để giảm tải trọng, giữ an toàn cho tuyến đê, đồng thời bảo đảm lưu thông thông suốt, kịp thời cho các phương tiện tham gia hộ đê, yêu cầu không cho xe ô tô đi trên đê từ 7 giờ ngày 12/9/2024 đến khi cho phép lưu thông trở lại (trừ xe công vụ, xe cán bộ công chức đi làm nhiệm vụ, hộ đê, cứu hộ, cứu nạn).
Huyện Hiệp Hòa cũng giao công an huyện bố trí các lực lượng canh gác; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và thực hiện. Huyện cũng chỉ đạo các xã vùng ngập lụt tiếp tục vận động, thuyết phục các hộ còn bám trụ tại các nhà cao tầng di dời vào trong đê để bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng, sức khỏe cho người dân.