Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái không có trạm dừng nghỉ, Bộ GTVT nói gì?
VOV.VN - Trục cao tốc dài 176 km của Quảng Ninh, kéo dài từ cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) đến nút giao cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái) hiện chưa có bất kỳ trạm dừng nghỉ hay trạm xăng nào.
Từ ngày 1/9 tới, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến được tỉnh Quảng Ninh chính thức thông xe sẽ kết nối với cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, Vân Đồn - Tiên Yên, cầu Bạch Đằng - Đại Yên và Hạ Long - Vân Đồn tạo thành toàn tuyến cao tốc dài 176km chạy dọc tỉnh.
Tuy nhiên, việc tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không có trạm dừng chân, trạm xăng nào khiến các tài xế và người dân băn khoăn, lo lắng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho lái xe.
Trên thực tế, không riêng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không có trạm dừng nghỉ, một số cao tốc như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng cũng chưa có trạm dừng nghỉ.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông-Bộ GTVT, hiện chỉ có quy hoạch 2753/2014 của Bộ GTVT về trạm dừng nghỉ trên quốc lộ, không có quy hoạch trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Theo ông Tuấn Anh, các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ có thể vì lý do khách quan nào đó chủ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ có độ trễ so với thời điểm đưa tuyến đường vào khai thác.
Theo Nghị định 32/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác đường cao tốc thì trạm dừng nghỉ trên đường là bộ phận công trình của đường cao tốc. Vì vậy, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc phải có trách nhiệm quyết định đầu tư trạm dừng nghỉ.
Theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy định, khoảng cách từ 50 - 60 km phải bố trí 1 trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (trạm dừng nghỉ, trạm xăng...) phục vụ người dân nghỉ ngơi, đổ xăng và giải quyết các nhu cầu cá nhân.
Chủ đầu tư khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án đường cao tốc sẽ xem xét trạm dừng nghỉ như thế nào, vị trí đặt ở đâu, đảm bảo cự ly, khoảng cách như thế nào.
"Tiếp theo quy quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông sẽ có nội dung về trạm dừng nghỉ", ông Tuấn Anh cho hay.
Đường cao tốc của tỉnh Quảng Ninh dài 176 km bắt đầu từ cầu Bạch Đằng chạy qua 8 huyện, thị, thành phố đến cửa khẩu Móng Cái. Nếu di chuyển từ Hà Nội đến Móng Cái theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tổng quãng đường di chuyển sẽ là gần 300 km.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có chiều dài toàn tuyến 80,23 km có điểm đầu cao tốc nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái). Tổng mức đầu tư ban đầu 12.771,765 tỷ đồng. Quy mô 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 25,25m, vận tốc thiết kế 120Km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 (vận tốc thiết kế tối đa đối với đường cao tốc tại Việt Nam).
Trong đó tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16km đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Tuyến Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là một trong những cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối với 32 cây cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài là hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài tuyến) (Trong đó: Dự án Vân Đồn - Tiên Yên có 7 cầu, tổng chiều dài 3.812,6m; Dự án Tiên Yên Móng Cái 25 cầu, tổng chiều dài 3.625,9m) và sở hữu cầu Vân Tiên vượt biển dài nhất tỉnh Quảng Ninh (1.515m)./.