Chuyện về những nhân viên y tế 2 năm liền ngủ không yên giấc
VOV.VN - Lực lượng mỏng, nhân viên y tế cơ sở làm việc xuyên ngày đêm. Họ thầm lặng gánh trên vai công việc chữa bệnh cứu người.
Tại thành phố Đà Nẵng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cơ sở liên tục xử lý khối lượng công việc lớn. Không ít nhân viên y tế cơ sở từ nhiều tháng nay không có khái niệm ngày nghỉ, giờ nghỉ.
Mỗi ngày, y sĩ Huỳnh Bá Hiển, Trưởng Trạm Y tế phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng nhận gần 100 cuộc điện thoại, từ tổ trưởng dân phố đến bí thư chi bộ, người trong khu phong tỏa, người mắc Covid-19,… Khối lượng công việc nhiều nhưng không theo một quy luật nào cả, phải tùy cơ mà ứng biến.
Y sĩ Huỳnh Bá Hiển cho biết, y tế cơ sở là tuyến y tế gần nhất với người dân luôn chịu nhiều áp lực. Công việc hàng ngày của trạm y tế bao gồm các thủ tục hành chính cho F0 như quyết định cách ly, quyết định hoàn thành cách ly, cho đến nhập dữ liệu người bệnh lên hệ thống; tiêm vaccine phòng Covid-19, xét nghiệm tiêm vét, tiêm theo lịch cho người lớn rồi thăm khám các bệnh thông thường... Hai năm nay, chưa có đêm nào y sĩ Huỳnh Bá Hiển và đồng nghiệp được yên giấc. Lực lượng mỏng, công việc chồng chất, nhân viên y tế quay cuồng làm việc bằng 200% sức lực, từ sáng sớm đến nửa đêm.
“Tôi không bao giờ tắt máy vào ban đêm. Vì các cuộc gọi đến không biết từ lúc nào. Lo sợ nhất vẫn là những cuộc gọi từ ca bệnh trở nặng cũng như những ca bệnh chưa được phát hiện đến khi phát hiện ra thì đã có triệu chứng khá nặng”, y sĩ Hiển chia sẻ.
Là địa bàn đông dân cư với hơn 32.000 hộ dân, mỗi ngày, lực lượng y tế phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng căng mình với hàng trăm loại công việc. Thời điểm F0 tăng cao, phường chỉ có 10 nhân viên y tế, khó tránh khỏi quá tải. Có những ngày kiệt sức đến bật khóc nhưng chưa một ai nhắc đến chuyện bỏ cuộc.
Từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, hai năm qua, y sĩ Lê Thị Kim Yến, Trưởng Trạm Y tế phường An Hải Bắc chưa được nghỉ ngơi một ngày. Thời điểm áp dụng cách ly F1 tập trung, khối lượng công việc nhân lên gấp bội. Khi ấy, chiều tối mới ăn sáng, ăn trưa là chuyện hết sức bình thường. Hàng ngày, ngoài phiên trực, đúng 6 giờ sáng, chị phải có mặt tại trạm, sau đó đi tới 9, 10 giờ đêm mới về nhà.
Y sĩ Lê Thị Kim Yến tâm sự, kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào mùng 4 Tết nguyên đán vừa qua, một bệnh nhân Covid-19, 56 tuổi có tiền sử ghép thận cách đây 3 năm đột nhiên trở nặng. Sau khi nhận cuộc gọi từ người nhà bệnh nhân lúc 0h25, chị Yến cùng đồng nghiệp lập tức lên đường. May mắn, chị đã cấp cứu thành công cho bệnh nhân này và chuyển tới Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị. Hiện, bệnh nhân đã khoẻ trở lại và xuất viện trở về nhà. Chị Yến bộc bạch, điều quan trọng nhất chính là chị có một hậu phương vững chắc.
“Đi làm về nửa đêm khuya vẫn có cơm nước chờ sẵn. Có bữa được về sớm chút nên tranh thủ ngủ tí thì điện thoại bệnh nhân lại reo thế là chạy. Tôi cũng hay nói với mọi người, chị em may mắn gặp được chồng hiểu cho công việc của mình. Nhờ có chồng mà tôi mới có thời gian tập trung cho công việc”, chị Yến bày tỏ.
Cách đây 1 tháng, anh Trần Đức Doãn, ở thành phố Hải Phòng đến thành phố Đà Nẵng công tác. Sau khi biết mình là F0 anh rất lo lắng khi không có ai thân thích hỗ trợ cho mình. Anh Trần Đức Doãn cho biết trong lúc ấy, rất may anh được nhân viên y tế phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà tận tình giúp đỡ. Sau 10 ngày điều trị, khỏi bệnh, anh Doãn tiếp tục chuyến công tác của mình và hiện đã trở về quê.
“Đà Nẵng lúc ấy số ca quá nhiều, áp lực lên lực lượng y tế trạm cũng là quá lớn. Điện thoại khi ấy tôi thấy cứ ầm ầm reo. Một nhà có khi có tới 3, 4 trường hợp F0 báo lên trạm 1 lúc. Đợt ấy rất may mắn khi tôi vào đó công tác được sự hỗ trợ rất lớn từ Trung tâm y tế phường An Hải Bắc, đặc biệt chỗ chị Yến”, anh Doãn kể.
Dịch bệnh đã khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, đặc biệt đối với đội ngũ y bác sĩ. Hiện nay, nhân viên y tế cơ sở ở thành phố Đà Nẵng đang ngày đêm gánh thêm nhiệm vụ theo dõi việc chăm sóc hơn gần 90% F0 tại nhà. Ngoài nhiệm vụ như xét nghiệm, tổ chức theo dõi, cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, các trạm y tế xã, phường còn phải hoàn thành các chương trình mục tiêu dân số y tế của ngành.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, trong đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng. Nếu số F0, F1 tăng lên thì đồng nghĩa khối lượng công việc sẽ nhiều thêm. Sở đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí cho tuyến cơ sở nhằm giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại các trạm, đồng thời thu hút, hỗ trợ bác sĩ nghỉ hưu về đây làm việc.
“Hiện nay, số bệnh nhân Covid-19 tăng cao nên tất cả đều phải ra sức tập trung cho công tác chống dịch. Sở Y tế thành phố đã đề nghị UBND thành phố hỗ trợ thêm kinh phí cho tuyến y tế cơ sở. Ngoài kinh phí về chế độ thì hỗ trợ thêm một phần kinh tế cho các lực lượng y tế ở các Trạm y tế phường, xã. Ngoài ra, chúng tôi cũng có tăng cường thêm nhân lực cho tuyến y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch”, bác sĩ Hồng cho hay./.