Đông trùng hạ thảo tự nhiên ở Tây Nguyên: Hy vọng thần dược, nỗi lo độc dược
VOV.VN - Trong khi các nhà khoa học ở Đăk Lăk và các cơ quan quản lý chưa có thông tin cụ thể về lợi hại của các loại sản vật rừng mà người dân đang đồn thổi, nguy cơ ngộ độc càng gia tăng vì chúng được rao bán thuận lợi trên mạng xã hội...
Gần đây, ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện nhiều trường hợp ngộ độc cấp tính do người dân ăn các loại nấm, côn trùng khai thác trong tự nhiên. Không chỉ các sản vật thông thường như ấu trùng ve sầu, nấm dại khai thác trong vườn, rẫy, gây ngộ độc, mà một số loại được cho là dược liệu hiếm quý, như “đông trùng hạ thảo” khai thác trong rừng sâu, cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Trong khi các nhà khoa học ở địa phương và các cơ quan quản lý chưa có thông tin cụ thể về lợi hại của các loại sản vật rừng như vậy, nguy cơ ngộ độc càng gia tăng vì chúng được rao bán thuận lợi trên mạng xã hội.
Sau gần 2 tháng được giao dịch tấp nập, sản phẩm “đông trùng hạ thảo” khai thác trong rừng sâu Nam Ka, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk đã gần như vắng bóng trên thị trường. Loại nấm này có bề ngoài rất giống đông trùng hạ thảo Cordyseps Sinesis của Trung Quốc, nên đầu vụ tháng 5, được bán tới 20 triệu đồng/1kg tươi. Sau đó, với nguồn cung dồi dào, giá sản phẩm liên tục hạ xuống 15 triệu đồng rồi 10 triệu đồng, rồi 7 triệu đồng. Còn hiện tại, giá chỉ 4 triệu đồng/1kg, mà không ai dám mua.
Chị Ngô Thị Thủy ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong cho biết, là người từng thu mua, bán sỉ đông trùng hạ thảo rừng Nam Ka, thậm chí cũng tự ngâm với mật ong để sử dụng cho gia đình, nhưng giờ chị phải dừng toàn bộ. Nguyên nhân là chị Thủy phát hiện một số trường hợp bị ngộ độc khi sử dụng sản phẩm.
"Bố mẹ ở tôi ở Gia Lai sang chơi thì được con rể cho một ít để mang về. Về nhà ông đổ một ít ra bát và hấp lên cho bà ăn và bà có biểu hiện bị ngộ độc. Ông cho rằng bà bị như vậy là do tiền sử cao huyết áp chứ không phải do ăn con này nên bảo hấp thêm mấy con nữa cho ông ăn, và ông ăn cũng bị trieuj chứng y như bà luôn", chị Thủy kể.
Nếu như “đông trùng hạ thảo” của vùng Nam Ka, giáp giới với Đăk Nông bị ngừng giao dịch vì lo ngại ngộ độc, thì ở xã Cư San, huyện Mđrak, tỉnh Đăk Lăk, giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, sản phẩm vẫn được mua bán bình thường. Chị Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương ở xã Cư San cho biết, đông trùng hạ thảo vùng này khác với vùng Nam Ka-Đăk Glong cả về hình dạng và màu sắc.
Nhiều bà con người Mông sinh sống lâu năm ở đây khẳng định, ấu trùng để nấm ký sinh ở Cư San là loại không độc, bà con đã ăn trong nhiều năm, nên nhiều người tin tưởng. Bản thân chị Hạnh cũng ngâm rượu, đã dùng làm quà biếu cho người thân và người thân của chị đã dùng thử cho trẻ nhỏ khi bị ốm, sốt.
"Thấy anh trai tôi ở ngoài quê đã ăn thử rồi, dùng hai ba con nấu nước uống. Anh ấy bảo là hôm trước bị mệt, ăn xong thì thấy đỡ mệt, đỡ đau đầu, ngủ ngon hơn. Nay cháu bé ở trong nhà bị ốm sốt, cho uống thử thì đỡ sốt", chi Hạnh cho biết.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Đại Nguyên, công tác tại trường Đại học Tây Nguyên, Tây Nguyên là một kho tàng nấm rất phong phú, với nhiều chủng loại quý. Trong đó có 70 loại thuộc họ linh chi, 30 loại nấm ký sinh côn trùng có quả thể, mà người dân quen gọi là đông trùng hạ thảo.
Cả 70 loại thuộc họ linh chi được Đại học Tây Nguyên nghiên cứu, đã được kết luận là không có độc. Nhưng với các loài nấm ký sinh côn trùng, đến nay vẫn chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể. Phó giáo sư Nguyễn Phương Đại Nguyên rất lo ngại khi các loại nấm này được bán và sử dụng rộng rãi.
"Là một người nghiên cứu về nấm tôi khuyên rằng để có thể sử dụng các loại nấm này thì cần có kết quả nghiên cứu chính xác. Còn mà sử dụng theo kinh nghiệp dân gian truyền miệng thì đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc. Có trường hợp dẫn đến tử vong, có trường hợp suy thận. Như cá nhân tôi chứng kiến thì cũng dã có vài trường hợp rồi. Tuy nhiên, để kiểm tra giá trị về dược liệu của các loài này, thì theo kiến thức của tôi, đến thời điểm này chưa có nhà khoa học nào công bố, trừ 2 loài Sinesis và Militaris (đang nuôi cấy phổ biến trên thị trường-PV). Cho nên, việc nó có giá trị dược liệu, tốt cho sức khỏe của con người hay không thì chúng ta cần hết sức thận trọng", Phó giáo sư Nguyễn Phương Đại Nguyên bày tỏ.
Là vùng đất có đa dạng các kiểu rừng và các vùng tiểu khí hậu, Tây Nguyên có kho tàng dược liệu phong phú, những năm gần đây liên tục phát hiện các chủng loại mới. Riêng về nấm, ngoài các loại linh chi được khai thác, mua bán sử dụng từ hơn 10 năm nay, mới đây người dân đã thương mại hóa “sâm ô linh”- một loại nấm đen mọc trong lòng đất của các tổ mối, tổ kiến, và các loại “đông trùng hạ thảo”, ký sinh trên ấu trùng ve sầu, bọ xít, bổ củi và xén tóc, khi chưa chắc chắn về dược tính và độc tính của sản phẩm, làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.
Cùng với tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo thận trọng, Tây Nguyên đang cần những kết quả nghiên cứu cụ thể, để phát huy giá trị kho tàng dược liệu tiềm tàng trong các cánh rừng và ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ với sức khỏe người dân./.