Dự báo, cảnh báo sớm sẽ ứng phó với thiên tai tốt hơn
VOV.VN - Theo GS. Trần Hồng Thái, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng khó lường vì vậy cần tiếp tục dự báo, cảnh báo sát, sớm để sẵn sàng ứng phó với thiên tai tốt hơn.
Ngày 23/3 hàng năm được chọn làm ngày Khí tượng thế giới. Năm 2022, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề "Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai".
Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VOV phỏng vấn GS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PV: Chủ đề của Ngày khí tượng thế giới năm nay nhấn mạnh vào công tác cảnh báo sớm vậy ông có thể chia sẻ tổng quan về những chuyển biến của công tác dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam trong thời gian qua?
GS Trần Hồng Thái: Có thể nói trong thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Việt Nam đã có sự phát triển về mọi mặt, phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thứ nhất, Hệ thống pháp luật KTTV đã từng bước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo các hoạt động thường xuyên, liên tục của cả hệ thống dự báo KTTV quốc gia, từ quan trắc, truyền tin đến dự báo, cảnh báo. Từ năm 2016 thực hiện Thông tư 41 về quy định, quy trình dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm số lượng các loại hình thiên tai dự báo gia tăng đáng kể, bao gồm: Bão/ATNĐ, mưa lớn diện rộng, lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; không khí lạnh; nắng nóng; hạn hán; xâm nhập mặn, dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ; sương mù ven biển, sóng lớn, nước dâng trong áp thấp nhiệt đới, bão, gió mùa và triều cường.
Thứ hai, mạng lưới quan trắc KTTV đã được nâng cấp hiện đại, đồng bộ. Chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu, đã phát huy được vai trò trong việc đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng KTTV phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai. Đến năm 2020, mạng lưới quan trắc quốc gia đã có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; gần 2000 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm/điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 06 trạm thám không vô tuyến, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 03 trạm đo tổng lượng Ôzôn - Bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét.
Thứ ba, tăng cường dự báo sớm, dài hạn. Ngành KTTV đã đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn.
Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin cũng sớm hơn. Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay cũng sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1h. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước đây.
Bên cạnh đó, Ngành khí tượng thủy văn đã cải tiến, thay đổi, điều chỉnh cả về hình thức và nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng rõ hơn, chi tiết hơn về ảnh hưởng của bão, mưa, lũ. Bản đồ dự báo bão dễ tham khảo hơn, đã nhận định rõ hơn về diễn biến mưa, vùng và thời gian có gió mạnh, khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.
Đồng thời chúng tôi cũng đã đa dạng hóa các loại thông tin với các bản tin chuyên đề phục vụ các đối tượng sử dụng, đối tượng chịu tác động khác nhau; các hình thức truyền tin cũng đa dạng hơn, không còn chỉ qua website hay fax, email như trước mà chúng tôi đã sử dụng các kênh truyền tin qua zalo, Facebook, tin nhắn sms... đồng thời đưa thông tin dự báo khí tượng thủy văn lên các trang mạng của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương, các cơ quan chỉ đạo thiên tai,… giúp thông tin đến với khu vực, đối tượng chịu tác động nhanh hơn, chủ động hơn.
PV: Hiện nay các hình thái khí tượng ở Việt Nam đang có những bất thường gì hay không thưa ông?
GS Trần Hồng Thái: Thời tiết và khí hậu không có biên giới, những thay đổi, tác động của hệ thống khí hậu toàn cầu, khu vực tất nhiên có ảnh hưởng đến thiên tai, tạo ra các hình thái thời tiết gây nguy hiểm ở Việt Nam.
Theo các nghiên cứu và dự tính, xu hướng tiêu của biến đổi khí hậu này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Khí nhà kính được ghi nhận đang ở mức kỷ lục, đây là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới, băng tan và mực nước biển dâng có thể kéo dài đến hàng thế kỷ. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc.
Đối với Việt Nam, thiên tai xảy ra với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Số cơn bão rất mạnh tăng dù tổng số cơn bão không đổi. Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở Bắc Bộ. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước.
Số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ và có xu thế giảm trên đa phần diện tích Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
PV: Công tác dự báo, cảnh báo khí tượng ở Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì không, thưa ông?
GS Trần Hồng Thái: Như chúng ta đã biết, dự báo bất kỳ vấn đề gì cũng đều có những khó khăn, thách thức riêng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành khí tượng có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế. Tuy nhiên, các ảnh mây, ảnh radar và mô hình dự báo dù hiện đại đến đâu cũng vẫn có những hạn chế nhất định, càng dự báo xa (cả với dự báo thời tiết và khí hậu) sai số dự báo càng lớn. Thêm vào đó, cùng với sự phát triền của xã hội, nhu cầu về mức độ chi tiết cũng như tính chính xác của các bản tin dự báo ngày càng cao hơn nên cũng là những khó khăn, thách thức mà ngành KTTV đang phải đối diện.
Để khắc phục những khó khăn trên cần rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là nguồn nhân lực, cần có sự tập hợp của những người có năng lực, tâm huyết với nghề và luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng cũng như tính phục vụ của các bản tin dự báo. Cần có các chính sách thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao (về cả khả năng tư duy khoa học cũng như sự tâm huyết với nghề) để các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội. Cùng với nguồn nhân lực là cơ sở khoa học kỹ thuật: Cần có sự đồng bộ về số liệu, nâng cao số điểm quan trắc để phục vụ công tác dự báo; cần có sự liên kết với các nước tiên tiến trong khu vực cũng như trên thế giới để học hỏi và phát triển các mô hình dự báo thời tiết, khí hậu,… Cuối cùng là đổi mới công tác truyền tin trên các nền tảng thông tin khác nhau và tăng cường công tác tuyên truyền, nhận thức về KTTV, thiên tai KTTV, trong đó có cả hiểu biết đúng về các bản tin dự báo, cảnh báo để sử dụng hiệu quả cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
PV: Vậy Việt Nam cần làm gì để giúp nâng cao công tác dự báo, cảnh báo để giảm thiểu tối đa tác động, thiệt hại từ các hình thái khí tượng trong thời gian tới?
GS Trần Hồng Thái: Đây là một bài toán tổng thể, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Đối với ngành khí tượng thủy văn thì mục tiêu là tiếp tục dự báo, cảnh báo sát, sớm các hiện tượng KTTV nguy hiểm, thiên tai KTTV. Cùng với đó, sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan Quản lý thiên tai và chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó thiên tai tốt hơn.
Covid-19 đã làm gia tăng tính phức tạp trong những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Đại dịch cũng cho thấy, trong thế giới phẳng ngày nay, chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận đa thiên tai, xuyên biên giới để đạt được tiến bộ hướng tới các mục tiêu toàn cầu về hành động khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.
Chúng tôi xin gửi tới thông điệp của ngày khí tượng thế giới đó là dự báo sớm, cảnh báo sớm, giúp chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động đúng lúc, đúng chỗ, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi, không chỉ trong hiện tại và mà cả trong tương lai.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.