Ghi nhận nhiều ca mắc ngoài cộng đồng, Đà Nẵng sẽ xét nghiệm diện rộng
VOV.VN - Từ 13h hôm qua đến 13h hôm nay (3/11), thành phố Đà Nẵng ghi nhận 4 ca mắc Covid-19, gồm 1 trường hợp F1 về từ TP.HCM được cách ly tại nhà, kết quả xét nghiệm âm tính trước đó và 3 ca chưa cách ly.
Trong số 3 ca mắc Covid-19 chưa cách ly có 2 nhân viên phục vụ tại nhà hàng Lê Gia 2, đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, lấy mẫu sàng lọc tại Bệnh viện 199. Liên quan đến 2 trường hợp này, thành phố Đà Nẵng đã phong tỏa nhà hàng Lê Gia 2, nhiều địa điểm 2 người này từng đến trong mấy ngày qua. Địa phương cũng đã truy vết, đưa hơn 100 trường hợp F1 đi cách ly tập trung tại khách sạn.
Ca cộng đồng thứ 3 là một thợ làm cửa, nhôm kính, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, tự đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm. Quận Ngũ Hành Sơn đã truy vết, đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung trường Cao đẳng Việt Hàn 15 trường hợp, giám sát y tế hàng chục trường hợp F liên quan đến các nhà hàng quán nhậu nơi người này từng đến.
Ngoài 4 trường hợp vừa nêu, chiều tối nay, Đà Nẵng ghi nhận thêm 7 ca mắc mới ở các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hoà Vang. Đáng lưu ý trong số này có 1 trường hợp F0 là người buôn bán cá từng 2 lần đến chợ hải sản âu thuyền cảng cá Thọ Quang trong 2 ngày qua.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định, thành phố đang xuất hiện nhiều ca mắc ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Trong khi đó, các địa phương trong cả nước đều ghi nhận số ca mắc nhiều trở lại. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý người ra vào thành phố, người từ các địa phương khác đến/về thành phố, người từ thành phố đi các địa phương khác quay trở lại.
Ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương khẩn trương khoanh vùng, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca mắc mới. Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quét mã QR tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng khách sạn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, thậm chí tạm dừng hoạt động cơ sở vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành Y tế rà soát kế hoạch xét nghiệm đại diện hộ gia đình, xác định rõ đối tượng nguy cơ, địa bàn cần xét nghiệm tầm soát: “Chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đã xác định rất rõ. Đó là xét nghiệm vẫn là biện pháp cơ bản trong kiểm soát dịch và phát hiện sớm dịch nên chúng ta không thể buông bỏ biện pháp này. Vì vậy, ngành Y tế phải xác định rất rõ các đối tượng phải xét nghiệm, địa bàn cần xét nghiệm. Ngành Y tế khẩn trương rà soát lại để tham mưu tiến hành xét nghiệm”./.