Gia Lai: Ra khỏi diện khó khăn, dân gặp khó vì đứt nguồn vốn chính sách

VOV.VN - Các xã, thị trấn của huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đều ra khỏi diện khó khăn và đặc biệt khó khăn nhưng lại khiến nhiều hộ dân khó tiếp cận vốn tín dụng chính sách để tiếp tục phát triển sản xuất, trong khi nhiều khó khăn mới đã xuất hiện.

Tháng 6 năm nay, các xã, thị trấn của huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đều ra khỏi diện khó khăn và đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là vinh dự của chính quyền và người dân địa phương vì nỗ lực xây dựng kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, đã đạt kết quả. Tuy nhiên, điều đó lại khiến nhiều hộ khó tiếp cận vốn tín dụng chính sách để tiếp tục phát triển sản xuất, trong khi nhiều khó khăn mới đã xuất hiện.

Năm 2017, Chị R’mah Blich, làng Doch Tung, xã Ia Grái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai là hộ được vay vốn từ Chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng, chị Blich đầu tư chuồng trại và chăn nuôi bò phát triển kinh tế và đã trả được một phần nợ. Thế nhưng, mới đây đàn bò của gia đình bị chết vì bệnh viêm da nổi cục. Chị Blich cần vốn để tái đàn, nhưng xã đã lên vùng I, không còn là vùng khó khăn như trước, nên chị lo mình không được vay lại.

“Trước đây tôi vay vốn sản xuất kinh doanh, giờ lên vùng I rồi thì chưa chắc đã có điều kiện để vay lại vì không nằm trong đối tượng nên cũng mong cấp trên tạo điều kiện cho bà con”, chị Blich nói.

Tương tự, bà Puih Phyim người cùng làng cũng được vay 40 triệu đồng từ chương trình này để trồng cà phê. Bà Puih Phyim chia sẻ, xã ra khỏi diện khó khăn nhưng người dân vẫn khó khăn vì dịch Covid-19. Nếu không được vay vốn như trước thì bà con rất khó phát triển kinh tế.

“Nay xã Ia Grái thuộc vùng I, không được ưu đãi như đợt trước nữa, dân làng đang gặp nhiều khó khăn. Hai năm nay bị Covid-19 không làm ăn được, điều, cà phê tụt giá nên cũng gây khó khăn cho bà con. Mong làm sao Nhà nước nghiên cứu tạo điều kiện cho bà con”, bà Puih Phyim cho hay.

Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Grái cho biết, xã có hơn 10.000 dân, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm dần qua từng năm, đến nay chỉ còn gần 500 hộ. Ông Tấn cũng băn khoăn khi xã lên vùng I. Dịch bệnh Covid-19 đang gây những khó khăn lớn. Nếu không được tiếp cận vốn vay chính sách như trước, tỷ lệ tái nghèo ở xã sẽ tăng cao.

“Hiện nay để có nguồn vốn để phát triển kinh tế, trồng cây ngắn ngày, cây ăn trái thì chủ yếu phải vay vốn ngân hàng chính sách. Nếu thực sự không có nguồn nào để hỗ trợ thay cho nguồn ở ngân hàng chính sách thì thực sự khó cho bà con dân tộc thiểu số tại đây. Xã đề xuất, kiến nghị là có một chủ trương chính sách nào khác để hỗ trợ cho các hộ để được hưởng chế độ vay và các nguồn ưu đãi khác của Chính phủ, Nhà nước để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Đức Tấn cho hay.

Sau khi Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính Phủ có hiệu lực, 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ia Grai đều là xã vùng I. Tức, địa phương có tới 10 xã đang là vùng II trở thành vùng I khi áp dụng quyết định. 1.800 hộ đang vay vốn từ Chương trình hộ sản xuất kinh doanh, sau khi trả ngân hàng 60 tỷ đồng, sẽ không tìm được nguồn tín dụng thay thế.  

Ông Đỗ Văn Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết: “Cái khó hiện nay là bà con không được vay nữa, UBND huyện chỉ đạo ngân hàng chính sách huyện tiếp tục rà soát, có những vận dụng, tận dụng các cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho bà con được hỗ trợ vay vốn trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Tiếp tục tuyên truyền vận động bà con phải hiểu được chính sách này là đúng đắn để bà con có nhận thức đúng, có sự vươn lên. Sự hỗ trợ của nhà nước cũng là một thời điểm nhất định, còn xu hướng là đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, do đó các chính sách phải được cắt giảm để bà con chủ động trong sản xuất, kinh doanh của mình”.

Ra khỏi diện khó khăn và đặc biệt khó khăn là vinh dự đối với huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai. Nhưng riêng với gần 2.000 hộ đang sử dụng vốn chính sách xã hội dành cho hộ kinh doanh vùng khó khăn, bà con sẽ mất đi chỗ dựa tín dụng chính sách. Trong khi đó, những khó khăn mới do dịch bệnh gia súc, dịch Covid-19 đã xuất hiện, và bà con đang rất cần các giải pháp tháo gỡ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách
Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

VOV.VN -Mường Ảng là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, hàng năm người dân được ưu tiên thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ.

Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách

VOV.VN -Mường Ảng là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, hàng năm người dân được ưu tiên thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ.

Chính sách phát triển thủy sản: Không có cò mồi vay vốn đóng tàu
Chính sách phát triển thủy sản: Không có cò mồi vay vốn đóng tàu

VOV.VN -Hiện chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách để làm thủ tục vay vốn nên những lo ngại của ngư dân là không có cơ sở.

Chính sách phát triển thủy sản: Không có cò mồi vay vốn đóng tàu

Chính sách phát triển thủy sản: Không có cò mồi vay vốn đóng tàu

VOV.VN -Hiện chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách để làm thủ tục vay vốn nên những lo ngại của ngư dân là không có cơ sở.