Gửi ô tô trên vỉa hè - cách nhanh nhất “kết liễu” giao thông đô thị
VOV.VN - Không gửi xe trên vỉa hè thì gửi ở đâu? Một câu hỏi rất gợi suy tư mà VOV Giao thông vài ngày trước từng đặt ra cho cả thị dân lẫn các nhà quản lý ở Hà Nội...
Tất nhiên, ai cũng sẽ có lý lẽ riêng để giải thích cho quyết định có dừng đỗ xe hơi trên vỉa hè hay không.
Ở một góc nhìn nhất định, trong một tình huống cụ thể khá phổ biến, phụ huynh lái xe hơi đưa con nhỏ đi học, mà trường ở trong ngõ, rất khó để vị này từ chối cơ hội được đỗ xe lên một vỉa hè chưa bị lấn chiếm gần đó, rồi thảnh thơi dắt con vào trường.
“Chỉ là tạm thời, đỗ vài phút thôi”, lý luận này thường được nhiều người viện dẫn.
Và thật tình cờ, đây cũng là tư duy của các nhà quản lý một số đô thị tại nước ta, trong đó có Hà Nội. Nó thể hiện qua chính sách cho thuê “tạm thời” một phần diện tích vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện.
Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu đỗ xe trước mắt tại khu vực đủ điều kiện, trong bối cảnh các bãi đỗ xe trong quy hoạch vẫn chủ yếu nằm trên giấy. Lý thuyết là các bãi xe này cần sắp xếp sao cho còn lại tối thiểu 1,5m không gian cho người đi bộ.
Trong mắt vị phụ huynh vừa nêu, việc tìm chỗ đỗ xe trên vỉa hè là một ưu tiên, bất chấp sự thật: rất có thể, chiếc ô tô đã cản đường đi bộ đến trường đối với các bạn học của con mình.
Còn trong mắt chính quyền đô thị, người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, nhóm yếu thế trong xã hội cần phải “nhường” và san sẻ diện tích vỉa hè với người lái ô tô.
Không quá khi nói rằng, Hà Nội đang quá ưu ái ô tô, một loại phương tiện chiếm tới 42% diện tích mặt đường, nhưng hệ số chuyên chở chỉ đạt 1,2 người/xe, hơn một chút so với xe đạp và… đi bộ.
Ô tô là phương tiện có lợi cho cá nhân nhất, nhưng xã hội phải bỏ kinh phí gấp 10 lần để đầu tư đường sá, bãi đỗ.
Cách đây nửa thập kỷ, một nhà nghiên cứu đô thị từng thẳng thắn, sự phát triển nóng của ô tô, loại phương tiện “vua đường phố”, chính là cái chết được báo trước của giao thông đô thị.
Sau khi gây ảnh hưởng tới lòng đường, nó tiếp tục tác động tới vỉa hè, một không gian công cộng, vốn dĩ không có công năng gánh phương tiện cơ giới trên mình.
Những vỉa hè vừa được thay đá mới đã rạn nứt, những bó vỉa, gạch bo cây xanh vỡ vụn. Đổi lại, ngân sách thu được từ việc cho thuê vỉa hè quá nhỏ bé, còn không đủ để chỉnh trang, sửa chữa chính những gì hoạt động cho thuê gây ra với vỉa hè.
1,5m không gian chừa lại cho người đi bộ ở các bãi trông giữ xe trên vỉa hè là điều quá khó tìm thấy tại Thủ đô. Và kể cả các bãi xe tuân thủ đúng quy định này, nó cũng không đủ khuyến khích người dân đi bộ.
Theo một nghiên cứu, chỉ có 24% diện tích hè phố trong các quận nội thành có bề rộng 3-4m và trên 4m để thu hút người dân đi bộ, nhưng phần lớn trong số ít ỏi này đã bị hàng quán, bãi xe lấn chiếm.
Có lẽ, câu hỏi cần đặt ra nên chuyển từ “Không gửi xe trên vỉa hè, thì gửi ở đâu?” sang cách đặt vấn đề khác: “Chúng ta còn gửi xe tùy tiện, tạm bợ thế này đến bao giờ?”.
Việc loay hoay với bài toán xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch với việc “mắt nhắm mắt mở” cho phép các đơn vị, cá nhân thuê vỉa hè theo giá nhỏ hơn hàng nghìn lần giá thị trường để kinh doanh bãi đỗ xe cũng tương tự như chuyện “con gà với quả trứng”, không biết làm gì trước để tìm lời giải.
Nếu vẫn viện dẫn mãi lý do vì thất bại của một chính sách này để duy trì một chính sách gây tranh cãi khác, chẳng khác nào Hà Nội đang lấy vỉa hè ra để làm “con tin” cho sự yếu kém trong quản trị đô thị.
Tại sao vỉa hè phải hy sinh hàng loạt công năng đi bộ, chứa hạ tầng đô thị, thấm nước, thoát nước để phục vụ một nhóm nhỏ người đi xe hơi?
Tại sao Hà Nội vẫn cho phép dừng đỗ xe ở lòng đường, hè phố, dung túng cho việc lái xe vào vùng lõi, trong khi chính thành phố này đang ra chính sách hạn chế ô tô vào nội đô?
Thật khó để biện minh cho việc phá sản các bãi đỗ xe ngầm, thông minh, khi mà việc đầu tư vào bãi đỗ xe trên vỉa hè đơn giản, thu hồi vốn nhanh và lãi gấp nhiều lần?
Làm thế nào Hà Nội có thể khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân, tham gia xe buýt, BRT, tàu điện trên cao, mà lại dựng nên những bãi đỗ xe trên vỉa hè như lô cốt, ngăn họ tiếp cận giao thông công cộng?
Những chính sách đầy mâu thuẫn này đang khiến vỉa hè bị biến dạng không chỉ ở mặt tác động vật lý, mà ở cả trong suy nghĩ, những lầm tưởng của thị dân.
Quản lý chặt không gian công cộng, dẹp bằng được việc lấn chiếm, dừng ngay chính sách cho phép đỗ xe trên vỉa hè, ngăn nạn chăng dây, kẻ sơn trông xe lậu, gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương với việc giữ đường thông hè thoáng, đưa vào chỉ tiêu thi đua, chấm điểm lãnh đạo, tập thể.
Làm được vậy, trả lại vỉa hè vị trí và công năng vốn có, Hà Nội sẽ giải được một loạt bài toán giao thông đô thị hóc búa.
Khi không thể đỗ xe tùy tiện, xe cá nhân sẽ giảm tần suất vào vùng lõi; Khi không còn bãi xe lậu với chi phí 0 đồng, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy thị trường công bằng có động lực xây bãi xe ngầm, thông minh; Khi những vỉa hè có thể đi bộ thoải mái, giao thông công cộng sẽ đông khách hơn.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một viễn cảnh, một mơ ước, nhưng nó hoàn toàn khả thi. Vỉa hè là lời giải hóc búa nhưng cũng ít tốn kém nhất để Hà Nội thực sự tiến tới văn minh đô thị.
Ngược lại, nếu tiếp tục dễ dãi nghĩ rằng, vỉa hè là nơi đỗ xe, là nơi kiếm chác, trục lợi, đó sẽ là cách nhanh nhất để “kết liễu” giao thông đô thị./.