Hai lần vấp ngã và quá trình làm lại cuộc đời của ông chủ xưởng gỗ
VOV.VN -Con đường hoàn lương luôn là một hành trình đầy gian nan, thử thách, nhất là đối với những người đã từng “lầm đường, lạc lối” phải chịu án tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng...
Phạm Văn Lương, sinh năm 1987, trú buôn Mùi 1, xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) từng hai lần phạm tội và bị toà tuyên án 7 năm 6 tháng tù. Sau khi mãn hạn trở về, nhờ nghị lực vươn lên của bản thân, cộng với sự động viên giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, Phạm Văn Lương đã tu chí làm ăn trở thành chủ xưởng mộc chế tác đồ mỹ nghệ, gia dụng với số vốn hơn 1 tỷ đồng. Có được thành công, anh luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ khi hoàn lương trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi đến thăm xưởng gỗ mỹ nghệ của Phạm Văn Lương ở xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk), khi anh cùng gần chục nhân công đang chế tác tượng gỗ và sản xuất bàn ghế. Mời chúng tôi vào phòng khách ngôi nhà hai tầng uống trà rồi cùng trò chuyện. Anh kể, quê ở tỉnh Thanh Hóa, năm 10 tuổi anh theo gia đình vào Đắk Lắk làm ăn sinh sống. Hồi ấy cũng được bố mẹ cho ăn học, nhưng do mải chơi đua đòi cùng chúng bạn, nên bỏ học giữa chừng. Sau một thời gian chơi bời, anh lựa chọn theo học nghề mộc và chạm tượng gỗ.
Công việc này dẫn dắt anh gặp một số đối tượng xấu chuyên đi khác thác gỗ lậu ở một số tỉnh Tây Nguyên. Được nhóm rủ rê, anh đồng ý sang Gia Lai khai thác gỗ trái phép. Trong lúc vận chuyển, nhóm bị lực lượng chức năng phát hiện tạm giữ gỗ và phương tiện. Cả nhóm cướp gỗ rồi bị bắt giữ. Với những hành vi phạm pháp này, anh bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Cướp tài sản”.
Do cải tạo tốt, anh được đặc xá ra tù trước thời hạn 4 tháng vào giữa năm 2018. Về địa phương, với sự mặc cảm, tự ti là người tù tội, cộng với sự rủ rê của đám người xấu, anh lại trượt dài theo con đường lầm lỗi. Cuối năm 2018, chưa đầy nửa năm ra tù, anh tiếp tục bị Công an huyện Krông Búk bắt giữ, xử lý hành vi bảo kê thu mua nông sản. Một lần nữa, anh bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 2 năm tù giam tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Quay lại trại giam, nhờ những lần đến thăm động viên của bố mẹ, vợ con; sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo, anh tự nhủ phải chăm chỉ chấp hành án phạt tốt để ra trại quay về làm lại cuộc đời. Ra tù, được sự hỗ trợ từ gia đình, anh mua dụng cụ hành nghề chạm tượng gỗ thuê cho các xưởng trong vùng. Khi có được lòng tin của khách, anh vay vốn đầu tư mua máy móc mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, xưởng mộc của anh có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, gần chục công nhân, với mức lương hàng tháng từ 7 – 12 triệu đồng mỗi người.
Anh Phạm Văn Lương bộc bạch: “Tôi hoàn lương thì tôi chỉ muốn nhắn nhủ các bạn trẻ hãy dừng lại những việc làm sai trái, không lành mạnh. Những người cũng sa ngã như tôi khi chấp hành án tù xong rồi về địa phương thì không bi quan, hãy làm lại cuộc đời từ đầu, vì sẽ không có gì là muộn cả”.
Phạm Văn Lương rất thấu hiểu tình cảnh những người lầm lỗi trở về địa phương sau khi mãn hạn tù gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Do vậy, anh luôn tích cực hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ. Trong xưởng của anh hiện có 6 lao động là người đã từng phải chấp hành án phạt tù trở về.
Anh Trương Văn Dương, sinh năm 1997, trú xã Cư Kpô huyện Krông Búk, là một trong những người cũng bị tuyên phạt 2 năm tù giam về hành vi sử dụng trái phép các chất ma túy tâm sự: Sau khi trở về địa phương, bản thân luôn mặc cảm, tự ti vì là kẻ tù tội. Chán nản chả biết làm gì, chỉ suốt ngày nhốt mình trong nhà. Đúng lúc ấy, anh Lương đến động viên, bảo tới xưởng gỗ học nghề. Nhờ sự giúp đỡ tạo công ăn việc làm của anh Lương, tôi từ chỗ bế tắc đã tìm được hướng đi cho bản thân mình. Đến nay, tôi làm trong xưởng gỗ của anh được gần 2 năm, lương trên 10 triệu đồng/tháng.
“Lúc tôi ra trại về địa phương thì có gặp gỡ anh Lương, anh động viên và đả thông tư tưởng cho em. Anh nói không có việc thì xuống xưởng anh học và làm, không phải lo lắng hay tự ti gì. Anh hỗ trợ, giúp đỡ em nhiều, em an tâm không quay lại con đường cũ nữa. Không chỉ động viên em đâu, anh cũng nói với toàn thể anh em trong xưởng là phải cố gắng trong công việc cũng như cuộc sống, để sau này còn có thể lấy vợ lập gia đình…”, anh Dương kể lại.
Toàn huyện Krông Búk có khoảng 500 người vi phạm pháp luật phải chịu án phạt tù rồi trở về địa phương sinh sống. Trung tá Y Phía M’lô – Phó đội Trưởng đội Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Krông Búk cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ công ăn việc làm, nên tỷ lệ tái phạm tội ở huyện chỉ ở mức dưới 0,8%. Hầu hết các phạm nhân ra trại trở về địa phương sinh sống đều tu tâm, dưỡng tính, chí thú làm ăn. Trong đó, trường hợp Phạm Văn Lương là tấm gương tốt của những phạm nhân trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
“Hiện tại trên địa bàn huyện Krông Búk có trường hợp điển hình tiên tiến sau khi chấp hành án tù trở về địa phương là Phạm Văn Lương. Trong thời gian vừa qua thì Lương luôn luôn phấn đấu vượt qua mặc cảm, tự ti bản thân, chí thú làm ăn; ngoài ra thì còn giúp các anh em mới ra tù khác công ăn việc làm. Nhờ vậy, tình hình tái phạm tội của người ra tù ở huyện Krông Búk luôn ở mức thấp nhất", Trung tá Y Phía M’lô đánh giá.
Con đường hoàn lương luôn là một hành trình đầy gian nan, thử thách, nhất là đối với những người đã từng “lầm đường, lạc lối” phải chịu án tù trở về địa phương. Với sự quan tâm, động viên của lực lượng công an, chính quyền địa phương, gia đình và xã hội, sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân đã giúp anh Lương, anh Dương hay những người khác ở huyện Krông Búk vượt qua sự tự ti, mặc cảm, những cám dỗ, lôi kéo để làm lại cuộc đời, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội./.