Hoàn thành khám sàng lọc người đăng ký tiêm vaccine COVID-19 trong tháng 7
VOV.VN - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine COVID-19 về Việt Nam sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, đòi hỏi Chiến dịch tiêm chủng phải trôi chảy, hiệu quả, thực hiện tiêm ngay khi có vaccine.
Theo thông tin tại cuộc họp sáng 2/7 của Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022, vaccine về Việt Nam sẽ tập trung các tháng 9-10/2021 và dự kiến, trong tháng 7/2021, sẽ có từ 8-10 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam qua cơ chế COVAX và các hợp đồng đã ký.
Trong lộ trình cung ứng vaccine, hiện Việt Nam đã có các hợp đồng, thoả thuận cung ứng trong năm 2021 (hiện đã có khoảng 105 triệu liều vaccine từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam), nhưng tình trạng khan hiếm vaccine xảy ra trên quy mô toàn cầu (trong tháng 6-9/2021), do đó, lộ trình vaccine về Việt Nam sẽ có tình trạng chậm trễ chung.
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, là chiến dịch tiêm chủng lịch sử - việc tiêm vaccine COVID-19 phải triển khai nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, nhưng phải an toàn, công bằng, hiệu quả. Mọi công tác liên quan tiêm chủng phải được công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát, phối hợp và đồng hành trong chiến dịch này.
“Về chuyên môn, đảm bảo an toàn tiêm phải ở mức tối đa. Không lãng phí bất cứ liều vaccine nào khi về đến Việt Nam. Tất cả các công đoạn phải phối hợp chặt chẽ từ tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối, tổ chức tiêm, truyền thông, an toàn tiêm chủng làm sao đảm bảo nguyên tắc tiêm tới đâu an toàn tới đó”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo đó, với cung ứng, vận chuyển, bảo quản, cung cấp vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ Quốc phòng, Y tế, GTVT và Công an để đảm bảo vaccine được quản lý, giám sát chặt chẽ và bảo quản đúng theo yêu cầu từng loại vaccine.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vaccine COVID-19 về Việt Nam sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, đòi hỏi Chiến dịch tiêm chủng phải trôi chảy, hiệu quả, thực hiện tiêm ngay khi có vaccine. Do vậy, đề nghị Tiểu ban An toàn tiêm chủng phải nhanh chóng đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng, tổ chức tiêm an toàn, xử lý phản ứng không mong muốn cho các cơ sở y tế toàn quốc.
“Tại các điểm tiêm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tiêm vaccine an toàn và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho toàn bộ lực lượng y tế. Đề nghị các địa phương phải khám sàng lọc trước để phân loại các trường hợp tiêm tại các điểm tiêm, tránh tình trạng ùn ứ trong các điểm tiêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị trong tháng 7 phải thực hiện xong việc khám sàng lọc này trên quy mô lớn.
Người đứng đầu ngành y tế cũng nhấn mạnh công tác thông tin truyền thông đầy đủ về lợi ích tiêm chủng, các điểm tiêm cho người dân, theo đó, công khai toàn bộ từ số lượng vaccine, tiêm chủng vaccine để người dân giám sát, phối hợp và đồng hành trong chiến dịch lớn nhất lịch sử này.
Trong đó, việc phân bổ vaccine tuân thủ Nghị quyết 21 của Chính phủ và các kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Địa phương có nhiều khu công nghiệp, có yếu tố nguy cơ lây nhiễm, đang có dịch thì ưu tiên phân bổ vaccine trước. Ngoài những đối tượng tiêm theo Nghị quyết 21, sẽ bổ sung thêm các đối tượng bao gồm trong cả lĩnh vực Nhà nước và tư nhân được tiêm vaccine COVID-19. Vấn đề này đang được Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung vào bản kế hoạch chung…/.
>> Việt Nam sẽ tiếp nhận từ 8-10 triệu liều vaccine trong tháng 7