Việt Nam sẽ tiếp nhận từ 8-10 triệu liều vaccine trong tháng 7
VOV.VN - Vaccine về Việt Nam sẽ tập trung các tháng 9-10/2021 và dự kiến, trong tháng 7/2021, sẽ có từ 8-10 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam qua cơ chế COVAX và các hợp đồng đã ký.
Sáng 2/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo, khẳng định Bộ Y tế đang cố gắng tiếp cận nhiều nguồn vaccine để có đủ vaccine sử dụng rộng rãi cho người dân một cách nhanh nhất, sớm nhất.
Vaccine về Việt Nam sẽ tập trung các tháng 9-10/2021 và dự kiến, trong tháng 7/2021, sẽ có từ 8-10 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam qua cơ chế COVAX và các hợp đồng đã ký.
“Tiêm tới đâu an toàn tới đó”
Việt Nam đặt mục tiêu tới cuối năm 2021 - đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine COVID-19. Để đạt mục tiêu này, trong bối cảnh lượng lớn vaccine sẽ về Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử ngành y tế trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng (Y tế, Quốc phòng, Công an, các bộ ngành, địa phương…).
“Tất cả các công đoạn phải phối hợp chặt chẽ từ tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối, tổ chức tiêm, truyền thông, an toàn tiêm chủng làm sao đảm bảo nguyên tắc “tiêm tới đâu an toàn tới đó”. Chúng ta cắt ngắn về hành chính nhưng không được cắt ngắn chuyên môn. Đảm bảo an toàn là yêu cầu tối đa”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trước cuộc họp của Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Tiểu ban An toàn tiêm chủng đã thảo luận lưu ý vấn đề, nếu tập trung đông người được tiêm vào cùng một thời điểm sẽ gây khó khăn. Do đó, Tiểu ban cho rằng cần sàng lọc trước, lập danh sách người đăng ký tiêm ngay từ bây giờ để phân loại trường hợp nào tiêm ở điểm lưu động, trường hợp nào tiêm ở bệnh viện. Những công tác này cần được thực hiện sẵn sàng để có thể tổ chức tiêm ngay ngay khi vaccine về.
Điểm khác biệt trong Chiến dịch này là việc điều hành bằng điện tử (online), ứng dụng công nghệ thông tin bắt buộc với tất cả điểm tiêm. Theo ước tính, Chiến dịch có khoảng 19.000 điểm tiêm. Những điểm tiêm này cần ứng dụng triệt để CNTT để theo dõi sát sao các điểm tiêm (về số liều vaccine được chuyển từ kho Trung ương về, người đăng ký, người được tiêm….).
“Về chuyên môn, đảm bảo an toàn tiêm phải ở mức tối đa. Không lãng phí bất cứ liều vaccine nào khi về đến Việt Nam. Từ trước đến nay chúng ta có một hệ thống tiêm chủng khá tốt để phát huy chiến dịch tiêm lần này. Chúng ta sẽ điều hành điện tử và áp dụng CNTT tại tất cả các điểm tiêm. Mỗi điểm tiêm phải quản lý được số vaccine về, số người đăng ký tiêm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 từ tháng 7/2021-4/2022
Trình bày dự thảo kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, chiến dịch tiêm chủng sẽ diễn ra từ tháng 7/2021-4/2022, với mục tiêu chung là phòng chống chủ động bằng việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng. Mục tiêu cụ thể, trong năm 2021, tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Trên 70% dân số được tiêm vaccine xin đến hết Quý 1/2022 và đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vaccine.
Ngoài những đối tượng tiêm theo Nghị quyết 21, dự thảo đã bổ sung thêm các đối tượng bao gồm trong cả lĩnh vực Nhà nước và tư nhân được tiêm vaccine COVID-19.
Chiến dịch sẽ triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên các tỉnh, thành phố đang có dịch, có nhiều khu công nghiệp. Trong tỉnh, thành phố, ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng ở vùng đang có dịch...
“Thiết lập và hoàn thành hệ thống dây chuyển lạnh tại các Quân khu, Đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng (các Kho của Quân khu), xây dựng tài liệu tập huấn và triển khai các hoạt động về tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine. Đảm bảo toàn bộ hệ thống dây chuyền bảo quản đạt tiêu chuẩn GSP”, ông Tấn nhấn mạnh vấn đề bảo quản vaccine.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn về tổ chức tiêm chủng, theo đó, sử dụng hệ thống Tiêm chủng mở rộng (TCMR), các cơ sở tiêm của các Bộ ngành, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Nhà nước, tư nhân và các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng. Bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.
Trong đó, đặc biệt yêu cầu các cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm theo khung giờ, chia nhiều bàn, điểm tiêm đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch. Sử dụng tối đa CNTT trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng CNTT. Tại các cơ sở điều trị tiến hành tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.
>>Việt Nam không phân biệt đối xử với người nước ngoài trong tiêm chủng vaccine COVID-19