Học sinh phấn khởi trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết
VOV.VN - Sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, các đại phương đã cho học sinh đến trường học trực tiếp. Trong khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc duy trì việc dạy học đồng thời với nhiệm vụ đảm bảo an toàn được các trường đặt ra hàng đầu.
Giáo viên, học sinh ở Bình Thuận háo hức trở lại trường học trực tiếp
Phóng viên Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM cho biết, hôm nay (7/2), khoảng 98.000 học sinh từ khối 7 đến khối 12 và học viên giáo dục thường xuyên ở tỉnh Bình Thuận trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm nghỉ do dịch COVID-19. Tất cả học sinh trở lại trường đều đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và giáo viên cũng đã tiêm mũi 3.
Để chuẩn bị đón học sinh trở lại học trực tiếp, các điểm trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã chủ động rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học; tổ chức tổng vệ sinh, phun khử khuẩn trường lớp để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Song song đó, các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Các trường chủ động thông báo đến học sinh, phụ huynh học sinh khi đưa đón con đi học phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Cô Vũ Thị Hồng Vân - Phó Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày đầu trở lại trường tất cả học sinh và giáo viên ai cũng háo hức.
"Việc học trực tuyến sẽ không bằng học trực tiếp, nên cũng rất lo về kiến thức của các em. Vì vậy, ngay từ đầu trở lại trường học, nhà trường cũng đã quán triệt với giáo viên sẽ cố gắng ôn lại kiến thức cho các em ở mức độ cho phép, để các em vững kiến thức hơn. Đặc biệt lo nhất là khối 12 và cũng đã xin sự chỉ đạo của sở để ôn tập thêm cho các em vào buổi chiều, để củng cố kiến thức cho kỳ thi sắp tới", cô Hồng Vân cho biết.
Riêng trẻ mầm non, học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 ở Bình Thuận sẽ quay trở lại trường học vào ngày 14/2. Theo thông báo mới nhất về cấp độ dịch của tỉnh Bình Thuận, hiện nay, tất cả các huyện, thị xã, thành phố không có địa phương nào cấp độ 2, cấp độ 3 và 4. Cũng trong ngày hôm nay, học sinh các khối 7 đến khối 12 ở tỉnh Ninh Thuận cũng trở lại trường học trực tiếp.
Học sinh Buôn Ma Thuột phấn khởi trở lại trường sau 1 học kỳ học trực tuyến
Phóng viên Hương Lý/VOV-Tây Nguyên thông tin, sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, hôm nay (7/2), thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk đã cho học sinh đến trường học trực tiếp. Trong khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc duy trì việc dạy học đồng thời với nhiệm vụ đảm bảo an toàn được các trường đặt ra hàng đầu.
Đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến, hành trang học sinh từ khối 7-12 ở thành phố Buôn Ma Thuột mang theo cùng với sách, vở, dụng cụ học tập là khẩu trang và bình nước riêng.
Em Trương Thị Tuyết Nhi, học sinh trường THCS Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi: “Hôm nay được trở lại trường, được gặp các bạn thầy cô, em rất vui. Mặc dù nhà trường đã chuẩn bị kỹ các điều kiện phòng dịch nhưng em cũng mang thêm khẩu trang, xịt khuẩn. Tuân thủ các quy định phòng dịch giúp em cảm thấy yên tâm hơn khi đến trường”.
Bên cạnh tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các trường học cũng đặt nhiệm vụ chuyên môn vào điều kiện thích ứng mới. Tại trường THCS Lạc Long Quân, thành phố Buôn Ma Thuột, có 680 học sinh khối 7,8,9 đã đến trường. Khối 6 sẽ được bố trí học trực tiếp trong thời gian gần nhất. Hiệu trưởng Phan Thanh Thủy, cho biết, nhà trường đã có kế hoạch phân loại học sinh, lập danh sách những em mà bị hổng kiến thức để phụ đạo cho các em theo kịp chương trình.
“Trong quá trình học online nhiều em chưa tập trung lắm nên chưa nắm vững kiến thức. Khi học sinh đến trường đây là một sự thuận lợi cho nhà trường cho nên tất cả thầy cô cũng như học sinh tranh thủ từng giây từng phút củng cố kiến thức cho các em”- bà Thủy nói.
Căn cứ vào tình hình chống dịch COVID-19 của địa phương, thành phố Buôn Ma Thuột quyết định cho học sinh từ khối 7- 9 đi học trực tiếp ngay sau Tết Nguyên Đán. Với các khối còn lại, ngành giáo dục đang khảo sát thêm ý kiến phụ huynh học sinh. Bà Mai Thị Hồng Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Buôn Ma Thuột cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19. Hôm nay, chúng tôi triển khai họp giao ban trực tuyến với hiệu trưởng các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở để triển khai khảo sát lấy ý kiến đối với các học sinh chưa được đi học trực tiếp để có phương án tham mưu phù hợp; đồng thời chỉ đạo các đồng chí chuyên viên tăng cường đi kiểm tra, hướng dẫn xử lý các tình huống phát sinh nếu có”.
Sau 1 học kỳ học trực tuyến để phòng dịch COVID-19, hôm nay, học sinh, giáo viên ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bước vào học kỳ 2 học trực tiếp với khí thế mới. Tất cả vui vẻ, lạc quan thích ứng trong tình hình mới nhưng không chủ quan trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Sơn La tổ chức dạy và học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết
Phóng viên Lê Hạnh/VOV- Tây Bắc thông tin, sau gần 10 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, hôm nay 7/2, hơn 300.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông ở tỉnh Sơn La đã trở lại trường học tập trong không khí phấn khởi, vui tươi, đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Ghi nhận tại trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La, ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết đã diễn ra đầy hứng khởi, sỹ số các lớp đều đạt trên 90%. Sau những lời chúc xuân ý nghĩa, nhà trường đã nhanh chóng ổn định nền nếp, tổ chức hoạt động dạy và học chương trình học kỳ 2 theo đúng kế hoạch đề ra.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La cho biết: "Ngày đầu tiên khai xuân sau thời gian nghỉ Tết 10 ngày, các thầy cô và học sinh thực hiện rất tốt theo đúng chỉ đạo của ngành, bắt tay ngay vào công việc học tập, tiếp tục chương trình học kỳ 2. Cuối tuần này, nhà trường sẽ tiến hành khảo sát chất lượng học sinh lớp 12, từ đó có kế hoạch ôn tập theo năng lực của học sinh".
Hướng tới mục tiêu tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%, ngay sau Tết, trường THPT Tô Hiệu đã xây dựng kế hoạch phân công giáo viên tăng cường ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12. Đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 diễn ra vào ngày 1/3 tới. Với các em học sinh, mỗi người cũng đều nêu cao tinh thần, nỗ lực học tập để đạt được mục tiêu và mong ước của bản thân.
Em Dương Thế Hiếu, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Tô Hiệu chia sẻ: "Sau những ngày nghỉ Tết chúng em cảm thấy rất háo hức và mong chờ quay trở lại trường học để tiếp tục lĩnh hội kiến thức. Đây cũng là năm cuối của chúng em nên chúng em sẽ cố gắng hết mình, không ngừng trau dồi kiến thức để làm sao có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp và mục tiêu xa hơn là đến đại học".
Tại các trường mầm non, ngày học đầu tiên sau dịp Tết Nguyên đán diễn ra có phần trầm lắng hơn. Tỷ lệ trẻ đến trường trên địa bàn thành phố chỉ đạt gần 30% do có nhiều trường hợp liên quan đến F0 và F1; một phần do tâm lý e ngại dịch bệnh của các phụ huynh. Từng đơn vị trường học đã chủ động các phương án tổ chức đón trẻ trở lại, linh hoạt trong hình thức dạy học và các biện pháp phòng dịch, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hiệu trường Trường Mầm non Quyết Thắng, thành phố Sơn La cho hay: "Nhà trường đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và các điều kiện đón học sinh trở lại; tích cực tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh trên hệ thống Zalo của các nhóm lớp, đồng thời, nắm bắt số lượng học sinh theo bố mẹ về quê ăn tết, với đối tượng này, nhà trường khuyến cáo bố mẹ nên test nhanh cho các con trước khi cho học sinh trở lại. Về phía nhà trường cũng làm tốt công tác phòng chống dịch theo nguyên tắc 5K, đo thân nhiệt trẻ mỗi ngày 2 lần, theo dõi trẻ hàng ngày".
Đối với cấp Tiểu học và THCS, tỷ lệ học sinh đến trường sau Tết đạt ở mức khoảng 80%; riêng cấp Tiểu học có hơn 2.000 học sinh nghỉ do các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động, thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch để triển khai các phương án dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của giáo viên và học sinh.
Với tâm thế sẵn sàng và quyết tâm cao của các trường học; trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên; ý thức của học sinh, cùng sự phối hợp tốt của các gia đình, tin tưởng ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La sẽ tiếp tục hoàn thành tốt mục tiêu của năm học 2021-2022 đã đề ra.
Hà Nội: Các trường sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp
Theo phóng viên Minh Hường/VOV1, ngày mai (8/2), học sinh từ khối lớp 7 đến lớp 12 của Hà Nội sẽ quay trở lại trường. Ngay từ trước Tết, các trường đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn, lên kế hoạch dạy học và trong sáng nay (07/02), các trường tiếp tục rà soát, tập huấn lại một lần nữa các phương án đón học sinh tới trường đảm bảo an toàn phòng bệnh. Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, các trường THCS và THPT khẩn trương hoàn thành những công việc cuối cùng như dọn vệ sinh khuôn viên trường, lớp học, hoàn thiện lại kế hoạch dạy học, kiểm tra lại hệ thống các trang thiết bị y tế phòng dịch…sẵn sàng đón học sinh tới trường. Tổ chức diễn tập phương án đảm đón học sinh tới trường là một trong những công việc được các nhà trường chú trọng thực hiện trước khi đưa học sinh trở lại trường vào ngày mai.
Bà Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa và ông Nguyễn Anh Tuấn: Phó Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy cho biết: "Ngày hôm nay họp hội đồng giáo dục, để chuẩn bị đón học sinh các thầy các cô đi kiểm tra từng phòng học một, cần chỉnh trang, bổ sung gì rồi bắt đầu diễn tập lại lần nữa để ngày mai đón các em trở lại trường".
"Nhà trường tổ chức tập huấn, tập các tình huống mới, bởi vì trong giai đoạn này học sinh đi học thì nguy cơ mà nguy cơ có các trường hợp ca F0, F1 rất là cao. Một phần việc rất quan trọng nữa là vệ sinh khử khuẩn toàn bộ trường, lớp và hệ thống xe đưa đón học sinh tương ứng. Nhà trường sẽ tổ chức học 1 buổi trên 1 ngày, không tổ chức ăn bán trú".
Với các trường trung học phổ thông, do đã có kinh nghiệm tổ chức dạy học kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến trong thời gian vừa qua nên việc bố trí kế hoạch dạy học khá thuận lợi. Với bậc trung học cơ sở, các trường cũng hoàn thành việc thống kê số lượng học sinh ở các khu vực có dịch COVID-19 cấp độ 3 và cấp độ 4, học sinh là đối tượng F0, F1 để xây dựng kế hoạch dạy học vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, đảm bảo quyền lợi của tất cả học sinh. Phương án mà nhiều trường lựa chọn đó là lắp camera tại các lớp để vừa dạy học trực tiếp vừa dạy học trực tuyến cho những học sinh không thể đến trường.
Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa thông tin: "Trước kỳ nghỉ Tết, chúng tôi đã lắp đặt các trang thiết bị để hỗ trợ cho các thầy cô và các con tối ưu. Mỗi một lớp học đều được lắp thêm hệ thống camera ghi nhận cả đường hình và đường tiếng. Như vậy khi thầy cô lên lớp trực tiếp với các con thì các thầy cô vẫn mở phòng zoom của mình. Mỗi một lớp có 1 phòng zoom song song và thầy cô sẽ kết nối để vừa có thể dạy các con trên lớp, vừa dạy trực tuyến cho các con ở nhà".
Hiện các trường cũng gửi thông báo tới các phụ huynh học sinh về việc phối hợp tổ chức các giải pháp đảm bảo an toàn phòng dịch khi trẻ đến trường học trực tiếp, trong đó thực hiện nghiêm quy tắc “5K”. Chiều nay (07/02), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng tổ chức hội nghị trực tuyến với các trường, đơn vị trực thuộc để rà soát một lần nữa công tác chuẩn bị tổ chức dạy học trực tiếp, nhằm đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh cho học sinh./.