Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở bờ sông tại huyện Cù Lao Dung
VOV.VN - Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại huyện Cù Lao Dung, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã đến khảo sát thực địa để tìm giải pháp khắc phục khẩn cấp sạt lở, đồng thời đề xuất UBND tỉnh xem xét công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn.
Khảo sát cho thấy trên địa bàn huyện có trên 30 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng lấn sát chân đê bao Tả, Hữu. Các điểm sạt lở xảy ra trên địa bàn xã Đại Ân 1 với 18 điểm và xã An Thạnh Đông với 12 điểm. Tổng chiều dài sạt lở hơn 1.500m. Đặc biệt, trên các đoạn sạt lở này có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống và trên 300.000 m2 diện tích nuôi thủy sản, 400 ha diện tích trồng cây ăn trái, hoa màu.
Huyện cũng nhận định, trước diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan như hiện nay, nếu không gia cố kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực. Huyện Cù Lao Dung đã cắm biển báo đối với các điểm sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN -PTNT huyện Cù Lao Dung nói: "Hiện nay ghi nhận nhiều điểm sạt lở tới dưới đal (lộ bê tông). Trong thời gian ngăn tới nếu không có giải pháp kịp thời thì vài con nước triều cường nữa khả năng sẽ nguy hiểm đến đê. Cho nên vừa qua đã báo cáo về cơ quan của tỉnh, cùng phối hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp để được triển khai sớm, đảm bảo an toàn cho tuyến đê".
Ông Phạm Tấn đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm gần đây, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng… trên địa bàn huyện Cù Lao Dung xảy ra ngày càng nhiều, cao điểm nhất là vào tháng mưa, lũ, triều cường. Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, từ năm 2019 đến nay, riêng bờ sông Hậu trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài khoảng 500 – 1.000 mét.
Từ đầu năm 2022 đến nay, sạt lở bờ sông Hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, qua khảo sát đã có khoảng 30 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài trên 1.500 mét thuộc địa bàn xã Đại Ân 1 và An Thạnh Đông, làm vỡ bờ bao nuôi tôm của dân phía ngoài đê và lấn sâu vào sạt lở hết chân và mái đê bao Tả, Hữu Cù Lao Dung. Nguy cơ vỡ đê tại những điểm sạt lở nêu trên vào những ngày triều cường là rất cao nếu không được gia cố kịp thời.
Ông Đạo cho biết thêm, để xử lý sạt lở, gia cố khắc phục khẩn cấp sạt lở tuyến đê bao, bảo vệ cây trái, hoa màu và nhà cửa của người dân sống trong đê. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trình UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét, công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đối với 2 khu vực này./.