"Nếu không bắt tay vào ngay, bao giờ mới có hạ tầng giao thông hiện đại"?
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, những năm qua, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được quan tâm, tuy nhiên trong thực hiện, nhiều dự án triển khai chậm do vướng mắc từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay (1/6), đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên cho rằng, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường cao tốc trục ngang lên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía Bắc.
“Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không bắt tay vào ngay thì sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển. Chúng ta cần khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Theo đánh giá của đại biểu Yên, việc mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng kinh tế Tây Bắc, có tác động tích cực đến liên kết phát triển vùng phát triển tiểu vùng quốc tế.
Điện Biên là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành cửa ngõ kết nối khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan và Tây Nam Trung Quốc, phát triển hành lang kinh tế Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ cho phép dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang được triển khai thực hiện trước năm 2030.
Cùng thảo luận về lĩnh vực giao thông, đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định kiến nghị bên cạnh việc tập trung xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường huyết mạch dọc chiều dài đất nước thì cần nghiên cứu đầu tư các tuyến đường Đông – Tây, nhằm phát huy lợi thế của các tỉnh khu vực phía Tây.
Với riêng khu vực Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng ngoài tuyến cao tốc Nha Trang – Buôn Mê Thuột, thì rất cần các tuyến đường nối các tỉnh Tây Nguyên giàu tiềm năng, rộng lớn với Quy Nhơn và các tỉnh duyên hải khác.
Nhìn trong tổng thể hệ thống giao thông của đất nước, các tuyến đường Đông – Tây sẽ nối với khu vực Nam Lào, Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia. Nếu được triển khai, những tuyến đường này không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược về mặt an ninh, quốc phòng.
Về phát triển hệ thống giao thông, đại biểu Siu Hương, đoàn Gia Lai cho biết, những năm qua, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được quan tâm tuy nhiên trong thực hiện nhiều dự án triển khai chậm do vướng mắc từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Do vậy, đại biểu đề xuất Chính phủ xem xét tách giải phóng bằng thành một dự án độc lập đối với những dự án đầu tư Nhóm A; thực hiện tốt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi./.