Ninh Thuận công bố dịch tả lợn châu Phi
VOV.VN - UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát tiển nộng thôn; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó, chiều ngày 25/9, UBND huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận ra quyết định số 2667 công bố dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Nhơn Sơn.
Theo đó, ghi nhận đến chiều ngày 23/9, tại 2 hộ đã khai báo số lượng heo chết 52 con/65 con tổng đàn, còn 13 con của 2 hộ (hộ ông Nguyển Văn Mới 1 con và hộ bà Nguyễn Thị Liên 12 con), trong đó có 2 con đang bệnh nặng đã tiến hành tiêu hủy, còn lại 11 con đang khỏe mạnh đang tiếp tục theo dõi (hộ bà Liên).
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành lấy 4 mẫu máu kháng đông trên gửi đến Trung tâm Chẩn đoán Xét nghiệm bệnh động vật thuộc Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với virút gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi vớ 4 mẫu xét nghiệm.
Để chủ động phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm vào địa bàn và có nguy cơ lây lan rộng cao. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu thành lập Chốt kiểm soát, trực 24/24 bên ngoài vùng dịch để thực hiện việc đồng bộ các giải pháp chống dịch: kiểm tra, giám sát, tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch theo quy định.
Tuyệt đối không đưa lợn ra vào vùng dịch để chăn nuôi đối với cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch bệnh; chỉ được đưa lợn ra ngoài vùng dịch khi lợn khỏe mạnh, được xét nghiệm có kết quả âm tính với mầm bệnh Dịch tả lợn châu Phi và có sự giám sát của cơ quan thú y.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị UBND cấp xã thực hiện việc rà soát các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn theo quy định; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trong vùng dịch ký cam kết không nuôi mới và tái đàn trong thời gian có dịch, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về phòng chống dịch bệnh, và không dược hỗ trợ khi buộc phải tiêu hủy.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ đạo Tổ kiểm tra phối hợp với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng, chống dịch theo quy định; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật; đặc biệt là kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc lợn, sản phẩm lợn tại các cơ sở giết mổ, buôn bán, vận chuyển trên địa bàn huyện; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, chế biến các sản phẩm trái phép; hướng dẫn và giám sát việc tiêu độc sát trùng các hộ chăn nuôi lợn trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp; vận động người dân thực hiện “5 không”: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn mà chưa qua xử lý nhiệt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.005 ổ Dịch tả lợn châu Phi (tăng 2,74 lần so với cùng kỳ năm 2023) tại 46 tỉnh, phải tiêu hủy là 63.623 con lợn (tăng 3,16 lần).