Nóng tình trạng phá rừng ở vùng quy hoạch tưới của Thuỷ lợi Ia Mơr
VOV.VN - Thông tin tỉnh Gia Lai trình kế hoạch xin chuyển đổi hơn 8000 ha đất rừng tự nhiên ở xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông sang đất nông nghiệp để làm vùng tưới cho Công trình thuỷ lợi Ia Mơr đã khiến tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất của người dân địa phương gia tăng liên tục.
Chỉ trong đêm 15/4, hơn 3.300 m2 rừng ở lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 1001, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr (huyện Chư Prông), cách hệ thống kênh chính Thuỷ lợi Ia Mơr mới hoàn thành chừng 100 mét đường chim bay, đã bị đốt sạch. Thân gỗ đã bị đốn hạ mang đi, phần gốc cây vẫn còn đang bốc khói, cháy âm ỉ.
Kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, cho biết, đây là kiểu phá trắng rừng để lấn đất sản xuất. Hiện nay, chỉ tính riêng xã Ia Mơr, người dân có tới 500 ha rẫy sản xuất nằm xen kẽ trong rừng tự nhiên theo kiểu da báo. Thực tế, tình trạng xâm lấn rừng diễn ra từ lâu và liên tục từ năm này qua năm khác: “Về phương pháp, thì họ sẽ lấn chiếm ít một, theo mùa vụ. Ban đầu ken cây, đẽo vỏ xung quanh để cho cây chết, sau đó trồng hạt điều xuống để mùa tới là cây điều lên".
Ông Đinh Văn Khẩn, Trưởng Ban quản lý rừng Ia Mơr, đơn vị có gần 4000/8000 ha rừng tự nhiên đang được trình Quốc hội cho chuyển đổi sang đất nông nghiệp để làm vùng tưới cho Thuỷ lợi Ia Mơr cho biết, từ cuối 2020 tới nay, tình trạng xâm lấn rừng diễn ra thực sự nóng bỏng. Theo đó, tháng 1, chủ rừng phát hiện 4 vụ, có tổng diện tích hơn 5 sào, nhưng tới cuối tháng 3, tổng số vụ đã là 29, với tổng diện tích xâm lấn gần 4 ha. Đó là thống kê riêng những vụ xác định được đối tượng vi phạm. Còn diện tích rừng không nhỏ khác đã bị xâm lấn nhưng chưa thể xác định được đối tượng, lâm tặc sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng khi bị phát hiện.
Ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, tại khu vực 8000 ha rừng tự nhiên đang được địa phương trình xin Quốc hội cho chuyển đổi sang đất nông nghiệp làm vùng tưới của Thuỷ lợi Ia Mơr, hiện có 2 chủ rừng và 1 địa phương quản lý. Từ cuối 2020 tới nay, huyện đã thành lập thêm và duy trì liên tục hoạt động của 5 tổ công tác liên ngành, gồm có biên phòng, công an, kiểm lâm phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương, thực hiện tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, và khó có thể ngăn chặn hoàn toàn việc rừng bị xâm lấn: “Các tổ công tác lập các chốt ở những vị trí trọng yếu, những vị trí có nguy cơ mất rừng cao. 2 ban quản lý rừng là chủ rừng, các xã có rừng phải quyết liệt trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Về quan điểm, chúng tôi quyết liệt trong việc giữ rừng, nhưng cực kỳ khó khăn".
Khi đất lâm nghiệp chưa được chuyển đổi, rừng Ia Mơr đã bị xâm lấn tràn lan. Nay nếu không có biện pháp ngăn chăn hiệu quả, thì không chỉ số diện tích rừng đang xin chuyển đổi, mà nguy cơ cả khu vực rừng rộng lớn ở khu vực biên giới này cũng sẽ bị biến thành nương rẫy./.