Rà soát, bảo đảm nguồn tài chính để mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch
VOV.VN - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 301/TB-VPCP ngày 5/11/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về mua sắm trang thiết bị y tế.
Trước đó, ngày 1/11 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về mua sắm trang thiết bị y tế. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ: Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của Bộ Y tế và các Bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua. Bên cạnh công tác chuyên môn; công tác hậu cần cũng đáp ứng được yêu cầu theo mức độ nhất định.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cho thấy còn có không ít những khó khăn, vướng mắc và cả hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan như: dịch bệnh COVID-19 là chưa có tiền lệ, khó có thể lường được mức độ nguy hiểm và tốc độ lây nhiễm, nhu cầu về trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cả về số lượng và chất lượng... nên việc đầu tư mua sắm nhiều lúc, nhiều nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Hạn chế này cần thẳng thắn nhìn nhận để kịp thời rút kinh nghiệm, không để lặp lại trong trường hợp tương tự khi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Về khung khổ pháp lý: cơ bản đã đầy đủ; đối với một số trường hợp đặc thù chưa có tiền lệ thì có thể báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như các trường hợp mua vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19. Như vậy, hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức thực hiện, nhất là ở một số Vụ của Bộ Y tế và một số địa phương còn chưa nắm chắc luật pháp, chưa mạnh dạn, trách nhiệm tổ chức kịp thời việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế. Việc này, Bộ Y tế cần quan tâm, dành thời gian nhiều hơn để chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc; đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục, trong đó có giải pháp Bộ Y tế tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch của cả nước (có thể mua sắm tập trung do Bộ Y tế cân nhắc, quyết định).
Bộ Y tế chủ trì phối hợp với cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan, căn cứ kịch bản phòng, chống dịch đã được duyệt, khẩn trương rà soát nhu cầu (của cả trung ương và địa phương) về chủng loại, số lượng trang thiết bị y tế; trên cơ sở đó, phân loại, đề xuất loại nào do trung ương mua sắm, loại nào do địa phương mua sắm, phương thức mua sắm (kể cả phương thức mua sắm tập trung) theo quy định...; báo cáo Tiểu ban Tài chính, hậu cần trước ngày 15/11/2021 để có hướng dẫn, chỉ đạo việc mua sắm theo quy định pháp luật, kịp thời đáp ứng yêu cầu.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Bộ Y tế rà soát để bảo đảm nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền./.