Thế hệ Z và Thế hệ thiên niên kỷ - Những nhà sáng tạo của tương lai
VOV.VN - Không thể có được những nhà sáng tạo, doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không có thói quen đọc sách, hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Phát biểu tại hội thảo “Tôn trọng quyền SHTT và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam” do Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Học viện Phụ nữ tổ chức sáng 18/4, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động mà Việt Nam và các nước trên thế giới hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 và Ngày SHTT Thế giới 26/4.
Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ
Ngày SHTT thế giới năm nay được WIPO lựa chọn chủ đề “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Những thanh niên, những người trẻ tuổi là những nhà đổi mới, sáng tạo sẽ là chủ nhân tương lai. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, những người trẻ tuổi ở Việt Nam và trên toàn thế giới đang thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra những con đường đến một tương lai tốt đẹp hơn.
“Ngày SHTT thế giới 2022 ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai bền vững. Nói đến tương lai chúng ta không thể không quan tâm đến thế hệ trẻ, tương lai của chúng ta có bền vững hay không cũng sẽ phụ thuộc vào ý thức và sức sáng tạo của thế hệ trẻ”, ông Phí nêu rõ.
“Bình đẳng giới lồng ghép với văn hóa đọc và sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ không thể có được những nhà sáng tạo, doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền SHTT của người khác. Cũng không thể có những sinh viên, thế hệ thanh niên xuất sắc nếu không có sự hiểu biết và tôn trọng quyền bình đẳng giới”, Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đánh giá hiện nay văn hóa đọc đang bị suy giảm ở một bộ phận không nhỏ sinh viên. Sinh viên có tâm lý ngại đọc, ngại xem những cuốn sách dài. Điều này là vô cùng lãng phí, bởi lứa tuổi này đang ở thời điểm tốt nhất cho khả năng lưu giữ thông tin, học hỏi kiến thức. Nếu bỏ qua giai đoạn này, kể cả về sau có muốn đọc và đọc nhiều thì khả năng lưu giữ của bộ não và sự nhanh nhạy cũng bị suy giảm đi.
“Những người trẻ trên toàn thế giới đang chấp nhận các thách thức của sự đổi mới sáng tạo, sử dụng năng lượng và sự khéo léo, trí tò mò và sự sáng tạo của mình để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn. Những bộ óc đổi mới, năng động và sáng tạo đang giúp thúc đẩy những thay đổi mà chúng ta cần để hướng tới một tương lai bền vững hơn. Để làm được điều này việc đọc, học hỏi rất quan trọng”, ông Tiến chia sẻ.
Thế hệ Z và Thế hệ thiên niên kỷ - Những nhà sáng tạo của tương lai
Giới chuyên gia cho rằng, những người trẻ tuổi ngày nay là một nguồn sáng tạo chưa được khai thác. Hiện, thế giới có khoảng 1,8 tỷ người trẻ tuổi (đến 24 tuổi). 90% trong số họ sống ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ người trẻ (dưới 35 tuổi) sẽ tăng lên trong những năm tới. Ở tất cả các khu vực, những người trẻ tuổi là tác nhân tự nhiên của sự thay đổi, của những con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc SHTT Công ty Luật T&G, thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z là những người tạo ra sự thay đổi; họ là những người thực dụng, dám nói và dám chấp nhận thách thức. Những người trẻ ngày nay là những con người bẩm sinh của kỹ thuật số. Họ lớn lên trong một thế giới kết nối với điện thoại di động và internet, nơi làn ranh giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số bị xóa nhòa. Điều này đã định hình nên một thế hệ được cho là có tinh thần kinh doanh, đổi mới và sáng tạo nhất, vì thế cần hiểu về sở hữu trí tuệ để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
“Quyền sở hữu trí tuệ không phải gì quá cao siêu, độc đáo. Quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ xuất hiện ở mọi mặt cuộc sống, kể cả cuộc sống sinh viên trong trường học. Ví dụ, một sinh viên học trường sân khấu điện ảnh có thể tham gia viết kịch bản, đóng góp bản quyền nội dung… hay sinh viên kỹ thuật có thể đăng ký bảo hộ bản quyền sáng tạo của mình ngay trên ghế nhà trường. Hiểu về quyền bảo hộ SHTT, người trẻ mới biết trân trọng thành quả trí tuệ của mình, của người khác và xã hội”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đọc sách thúc đẩy bình đẳng giới
Đồng quan điểm, TS Dương Kim Anh, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – Trưởng khoa Giới và Phát triển cho rằng, hãy tranh thủ khi còn trẻ để đọc, để tích lũy tri thức. Những hiểu biết của bản thân sẽ nói lên con người bạn là ai; Việc đọc còn là một trong những giải pháp thiết yếu thúc đẩy bình đẳng giới.
“Văn hóa đọc ở nghĩa hẹp là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, thể hiện qua thói quen đọc - sở thích đọc - kỹ năng đọc. Văn hoá đọc ở nghĩa rộng là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, ứng xử đọc của cộng đồng xã hội và ứng xử đọc của mỗi cá nhân trong xã hội. Thúc đẩy văn hóa đọc có nhạy cảm giới, là việc xây dựng và phát triển cách ứng xử, giá trị đọc và chuẩn mực của cá nhân, cơ quan tổ chức và cộng đồng, tôn trọng quyền, nhân phẩm của người đọc, tôn trọng tri thức, tăng cường khả năng tiếp cận, kiểm soát tri thức, giảm thiểu khoảng cách giới trong văn hóa đọc”, bà Kim Anh cho hay.
TS Dương Kim Anh cho rằng, sách là phương tiện nâng cao năng lực trí tuệ, là tri thức kiến tạo tương lai, là cầu nối tri thức với cuộc sống, khơi nguồn tri thức, chắp cánh ước mơ... Đọc sách có thể giúp chúng ta cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy phân tích; mở rộng vốn từ ngữ, giúp cải thiện trí nhớ, kéo dài tuổi thọ; giúp điều khiển cảm xúc bản thân; tăng cường kỹ năng viết và lập luận; giúp rèn luyện nhân cách; giúp cân bằng cuộc sống và công việc.../.