Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em: “Cần làm ngay nhưng không ồ ạt”
VOV.VN - Theo chuyên gia y tế, bên cạnh vaccine, trẻ em cần có các biện pháp nâng cao sức đề kháng, cần được hướng dẫn thực hiện giãn cách và khẩu hiệu 5K… để phòng dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và nhu cầu mở của lại trường học, đưa học sinh đến trường, nhiều tỉnh thành bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, khi dịch COVID-19 đã lan ra cộng đồng, chúng ta đã chấp nhận tỷ lệ mắc tương đối, theo đó, nếu cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, thì tiêm là quyết định thích hợp.
PV: Thưa PGS.TS, nhiều địa phương bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Ông đánh giá thế nào việc tiêm vaccine cho trẻ em trong bối cảnh dịch hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Chúng ta đã xác định thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Do vậy, khi dịch đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, chúng vẫn ghi nhận ca mắc và để chấp nhận tỷ lệ này chúng ta nên đi theo 2 hướng chính là chữa bệnh tốt và tiêm vaccine phòng bệnh. Làm được như vậy càng sớm càng tốt để các hoạt động xã hội khác có thể trở lại trạng thái “bình thường mới”. Với trẻ em, là được đi học, được đến trường.
Trong môi trường học tập và trường học tại Việt Nam, từ các trường mẫu giáo đến cấp phổ thông, quy mô lớp học đều rất đông không giống như các nước phát triển khác là quy mô lớp nhỏ, số lượng học sinh ít, không gian vui chơi nhiều như ở các nước phương Tây. Lớp học đông nên khi học sinh trở lại trường nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, thậm chí thành các ổ dịch lớn. Hơn nữa, học sinh là nhóm khó tuân thủ giãn cách vì trẻ rất hiếu động và thích gặp gỡ, vui chơi với bạn bè…
Mặc dù trẻ em có tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn so với người lớn, nhưng khi dịch lan rộng và xâm nhập vào trường học, thì lúc đó trẻ em, đặc biệt trẻ có bệnh nền, nhất là những trẻ béo phì, thừa cân có nguy cơ bị nặng. Trong khi đó, hiện tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì khá cao, nhất là ở các thành phố lớn của Việt Nam. Những trẻ béo phì, thừa cân hoặc các trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, bại não, rối loạn tâm thần, hen… khi mắc COVID-19 đều có nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết. Chỉ có điều chúng ta phải tổ chức như thế nào cho an toàn nhất có thể? Phải có biện pháp tổ chức tiêm phù hợp, chuẩn bị tốt các khâu trước, trong và theo dõi sau tiêm cho trẻ thật an toàn.
Khi triển khai tiêm có thể sẽ xảy ra tình huống có những trẻ không được tiêm do nhiều lý do. Ví dụ trường hợp lớp có 49 học sinh, nhưng có một học sinh bị chống chỉ định tiêm thì vẫn phải có cách để trẻ được đi học, chứ không thể vì thế mà để trẻ ở nhà chỉ vì mỗi một lý do là trẻ không tiêm được vaccine.
PV: Nhiều chuyên gia y tế đã khẳng định, trẻ em không phải là “người lớn thu nhỏ”, vậy việc sử dụng vaccine tiêm cho trẻ tương tự như người lớn nhưng giảm liều lượng thì có đảm bảo hiệu quả và an toàn?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Chúng ta đang làm rất thận trọng, tiêm cho nhóm thanh thiếu niên từ 15 đến dưới 18 tuổi trước; sau đó 12 đến dưới 15 tuổi; và cuối cùng là 5 đến 12 tuổi…
Chúng ta không làm ồ ạt, khẩn trương nhưng không quá vội vàng. Chúng ta cũng đã chọn vaccine đã được phê duyệt, là vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA an toàn cho trẻ em.
Đặc biệt, chúng ta vẫn phải có các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho trẻ, hướng dẫn trẻ thực hiện giãn cách và thực hiện tốt khẩu hiệu 5K… để phòng dịch.
Các biện pháp được thực hiện đồng hành chứ không nhất thiết chỉ phụ thuộc vào 1 biện pháp là vaccine. Kể cả những trẻ đã tiêm vaccine rồi cũng vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch khác, trong đó cần chú ý nhiều hơn với trẻ không được tiêm. Cần giáo dục cho trẻ khi đi học nên hạn chế những giao lưu, tiếp xúc không cần thiết… để giảm nguy cơ. Gia đình và nhà trường cũng cần dành thời gian, tạo điều kiện để trẻ được tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, chống lại bệnh tật.
PV: Như ông vừa chia sẻ có những trường hợp trẻ em béo phì và mắc bệnh nền, bệnh tim, não bẩm sinh, bại não… sẽ gặp nguy hiểm hơn, bị bệnh nặng hơn nếu mắc COVID-19, vậy với nhóm trẻ này chúng ta cần lưu ý gì để đảm bảo trẻ an toàn trong đại dịch?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Đối tượng trẻ con là đối tượng rất nhạy cảm, các phản ứng xảy ra có thể cũng không giống người lớn, chúng ta cũng chưa dự đoán được hết. Tuy nhiên, hiện đã có những kinh nghiệm tiêm vaccine cho trẻ em từ nước ngoài, nên việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ phải tuyệt đối tuân thủ theo các quy định và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Khám sàng lọc trước tiêm ở trẻ cần phải chặt chẽ hơn nhiều so với người lớn. Cho nên các gia đình, cha mẹ cứ yên tâm cho con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho con nếu con đủ điều kiện tiêm chủng.
Một lần nữa tôi xin nhắc lại là khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, thì tiêm là quyết định đúng. Tuy nhiên, vì trẻ em không thể tự quyết định được việc có tiêm hay không nên bố mẹ hoặc người giám hộ phải quyết định và ký thay cho trẻ để đảm bảo tính pháp lý và dễ xử lý nếu có sự cố xảy ra…
PV: PGS.TS có thể đánh giá cụ thể hơn về vaccine sử dụng công nghệ mRNA?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Trước mắt, vaccine COVID-19 cũng mới có được gần 2 năm nay và theo dõi trong khoảng thời gian qua, những người đã tiêm vaccine không thấy có tác động về biến đổi gen di truyền. Tuy nhiên, vì thời gian theo dõi chưa dài nên hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi thêm.
Nhưng cũng không thể vì thế mà cứ chờ đợi vì trường học không thể đóng cửa mãi, phải mở và phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
Tôi đặc biệt khuyến cáo, trẻ được tiêm vaccine vẫn phải theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Khi có bất cứ biểu hiện gì về sức khỏe sau tiêm cũng cần phải báo với cơ quan y tế ngay.
PV: Xin cám ơn ông!