TP.HCM được phân bổ ít nhất 5 triệu liều vaccine, tiêm không phân biệt theo vùng nguy cơ
VOV.VN - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, từ nay đến tháng 9/2021, lượng vaccine phân bổ cho TP.HCM là tối thiểu 5 triệu liều, với tinh thần TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.
Trước diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp và khó lường, TP.HCM đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, đợt này thành phố được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine. Theo đó, sẽ ưu tiên cho đối tượng là người già trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người trong hệ thống phân phối hàng hóa. Đồng thời, phần mềm quản lý tiêm chủng đã được hoàn thiện, bảo đảm người đến tiêm theo khung giờ, đúng đối tượng, bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch.
“TP.HCM dự kiến sẽ triển khai tiêm tại 20 bệnh viện, 624 điểm tiêm trong thời gian 2 tuần, nhưng không nhất thiết chia đều trong từng ngày. TP.HCM và Bộ Y tế cũng thống nhất triển khai tiêm vaccine theo đối tượng ưu tiên, không phân biệt theo vùng nguy cơ”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết.
Với các vùng đang phong tỏa, TP.HCM sẽ triển khai tiêm sau khi dỡ phong tỏa, bởi theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, sau 3 tuần tiêm vaccine cơ thể mới sinh kháng thể và tác dụng bảo vệ chỉ được phát huy đầy đủ khi một người đã tiêm đủ 2 mũi, tức là khoảng 3 tháng. Do vậy tiêm vaccine không có tác dụng chống dịch ngay lập tức ở những vùng phong tỏa.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị phải khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân Thành phố, bảo đảm an toàn, phù hợp, đúng đối tượng. Ngoài các đối tượng ưu tiên, cần quan tâm đến bộ phận người nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn có điều kiện sinh hoạt rất chật chội, đang ở trong vùng phong tỏa nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đồng thời hạn chế nguồn lây nhiễm mới phát sinh.
“Nguồn cung vaccine trên thế giới đang rất khan hiếm, nên ngoài nguồn vaccine của Trung ương, Thành phố cũng tích cực tìm kiếm để có nhiều nhất, sớm nhất vaccine tiêm cho người dân”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Với nhu cầu vaccine của TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, từ nay đến tháng 9/2021, lượng vaccine phân bổ cho thành phố là tối thiểu 5 triệu liều, đáp ứng 50% đối tượng tiêm chủng.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, các hoạt động đàm phán, tìm kiếm nguồn vaccine phòng COVID-19 đã được thực hiện từ tháng 8/2020. Theo các hợp đồng đã ký, về cơ bản Việt Nam có thể có đủ lượng vaccine để tiêm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.
“Chính phủ đã có kế hoạch phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố nhưng trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên tối đa cho thành phố. Tới đây khi tiếp tục có các lô vaccine về Việt Nam, Chính phủ sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho TP.HCM với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Với thủ đô Hà Nội, các đơn vị chức năng đang tập trung xây dựng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 với phương châm đặt an toàn của người dân lên trên hết. Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, Hà Nội đủ năng lực để tiếp nhận, bảo quản và thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine.
Ngày 21/7, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trước mắt, mục tiêu của thành phố phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018, để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, Hà Nội cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện tại, thành phố sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới.
Hiện tại, khả năng tiếp nhận tối đa của Hà Nội trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vaccine theo quy cách đóng gói của vaccine AstraZeneca. Do đó Sở Y tế Hà Nội phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vaccine khác nhau; bao gồm cả những vaccine đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -740C); lên phương án vận chuyển, phân phối vaccine cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời.
Ông Chu Ngọc Anh cũng cho biết, thành phố sẽ huy động 100 tổ cấp cứu cơ động tiêm vaccine phòng COVID-19. Sở Y tế cần có kịch bản điều phối bảo đảm sự cơ động, phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực sẵn sàng đáp ứng bất kỳ tình huống sự cố tiêm chủng nào.
Trước đó, ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã gửi văn bản hoả tốc đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chi đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên cấp vaccine cho các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, tổ chức tiêm chủng chống dịch. Để đẩy nhanh việc thực hiện tiêm chủng trong mọi tình huống chống dịch của các địa phương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp, ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tể; tổ chức tiêm ưu tiên cho lực lượng tuyển đầu, người có bệnh lý nền, người cao tuổi. Chủ tịch UBDN tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tế./.