Vì sao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chậm tiến độ?
VOV.VN - Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chậm tiến độ, nhiều nhà thầu bị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phê bình. Một số nhà thầu cho biết họ gặp phải nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan…
Mặt bằng bàn giao chậm
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 là những dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2023 nhằm thông tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Tuy nhiên đến nay cả 2 dự án đều bị chậm tiến độ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ mà các nhà thầu đưa ra là do mặt bằng bàn giao chậm. Ông Nguyễn Văn Lượng, đại diện Tổng công ty 36 cho biết, việc này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của nhà thầu. Đơn cử tại hạng mục nút giao cầu Chà Và, đến ngày 15/3/2022 nhà thầu mới được bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công, chậm khoảng 14 tháng so với thời điểm khởi công dự án.
Đến thời điểm này, một số công trình hạ tầng trên tuyến tại nút Chà Và vẫn chưa xử lý để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu như đường dây điện trung thế, hệ thống cáp quang... ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi công cắm bấc thấm.
Cũng liên quan đến chậm bàn giao mặt bằng, Công ty Xây dựng Đèo Cả cho biết, nhà thầu đã huy động thiết bị và nhân công ở các vị trí có thể triển khai thi công được sau khi đền bù, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biên bản bàn giao chính thức từ chủ đầu tư để nhà thầu có cơ sở thực hiện.
Nhà thầu này cho biết thêm, mặt bằng bàn giao cho hạng mục thi công nút giao DT 908 không đủ bề rộng mặt cắt ngang theo thiết kế, dẫn đến không thể thi công đồng bộ. Cụ thể, nhánh N1, nhánh N2 thiếu bề rộng nền từ 4 – 6m ngang, nhánh A, B, C, D và đảo giao thông A, B điều chỉnh lại hướng tuyến.
“Đến ngày 30/8/2022, cũng là ngày nhà thầu bị phê bình chậm tiến độ, liên danh nhà thầu mới nhận được giấy mời của Ban QLDA Mỹ Thuận về việc bàn giao mặt bằng phần mở rộng bổ sung cho gói thầu này, bàn giao chậm 18 tháng so với 24 tháng theo tiến độ hợp đồng”, đại diện nhà thầu cho biết.
Điêu đứng vì vật liệu khan hiếm và chưa có khung bảng giá
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài gần 23km. Thời điểm này, dự án cần khoảng 300.000 - 400.000 m3 cát đắp gia tải, tương đương từ 12.000 - 15.000 m3 mỗi ngày. Do khó khăn về nguồn cung nên mỗi ngày dự án mới chỉ đắp được từ 5.000 - 7.000 m3 cát.
Ông Nguyễn Minh Khiêm, Chỉ huy trưởng gói thầu XL 03, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho biết: Chỉ 2 tỉnh có nguồn cát đáp ứng được các chỉ tiêu để thi công là tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp.
“Về tiến độ khối lượng, theo yêu cầu mỗi ngày cần khoảng 8.000 – 10.000m3 cát tùy thời điểm. Tuy nhiên, hiện chỉ khai thác được tầm 2.000 – 3.000m3, là khối lượng lớn nhất ngày nên chưa đáp ứng được tiến độ. Nếu không giải quyết được nguồn cát thì tiến độ gói thầu sẽ ảnh hưởng và ít nhất sẽ chậm khoảng 4 - 6 tháng”, ông Khiêm nói.
Tại nút giao Chà Và, Tổng công ty 36 đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để bù đắp thời gian bị chậm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên lượng cát nhận được mỗi ngày trung bình chỉ từ 2.000 - 3.000 khối khiến việc thi công đang bị chậm và đến thời điểm này nhà thầu đã hết khối lượng được phân bổ tại mỏ vật liệu xây dựng Đồng Tháp nên gặp rất nhiều khó khăn.
"Bây giờ chúng tôi cần khối lượng cát nhiều hơn gấp 3 lần sản lượng của 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp cấp thời điểm điểm này", ông Nguyễn Văn Lượng cho biết.
Được biết, trước tình trạng khan hiếm nguồn cát, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp và An Giang nhằm hỗ trợ nguồn vật liệu này. Tuy nhiên, có thể thấy sản lượng cát từ 2 tỉnh này cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của dự án.
Bên cạnh khan hiếm cát, việc các nguyên vật liệu thi công tăng giá đột biến cũng khiến các nhà thầu thi công điêu đứng. Hiện nay giá cả thị trường của vật liệu đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với đơn giá trúng thầu, tuy nhiên chỉ số bù giá tạm tính chỉ khoảng từ 12% - 16% theo chỉ số giá của tỉnh Đồng Tháp.
Trước đó, ngày 12/7/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long về tiến độ thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết địa phương rất tập trung để xử lý dứt điểm công tác GPMB và hứa tháng 7 sẽ giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Một vướng mắc khác làm chậm tiến độ dự án là cho đến thời điểm này tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa xây dựng chỉ số giá cho năm 2021 và 2022, mà chỉ số giá vật liệu tỉnh Vĩnh Long mới công bố đến hết năm 2020, gây khó khăn trong việc bù giá thi công cho các nhà thầu thi công. Nhà thầu đang tạm áp dụng 80% theo chỉ số giá của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên chỉ số bù giá tạm áp dụng vẫn chưa phản ánh kịp thời và phù hơp với sự biến động giá cả thị trường.
Cụ thể, giá vật liệu chính là cát K95 theo hợp đồng khoảng 125.000 đ/m3, tuy nhiên trong quá trình triển khai Nhà thầu phải mua vật liệu cát với giá dao động 180.000 – 200.000 đ/m3 tùy theo thời điểm và lý trình thi công. Như vậy tạm tính với mỗi m3 cát mua về nhà thầu chịu thiệt hại 50-60% đơn giá. Giá nhiên liệu dầu diezel tăng hơn gấp 2 lần so với thời điểm ký hợp đồng làm ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến vấn đề tài chính của nhà thầu trong việc triển khai.
“Vừa qua, Ban QLDA Mỹ Thuận đánh giá tiến độ thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó nêu các nhà thầu, gói thầu, hạng mục chậm tiến độ. Nhưng chúng tôi muốn đánh giá khách quan, vì sao chậm? Chứ không để trăm dâu đổ đầu tằm. Nguồn cung vật liệu không đáp ứng đủ nhu cầu thi công, mặt bằng bàn giao chậm hơn 1 năm, bàn giao xôi đỗ, có một số vị trí không đủ mặt cắt ngang chưa đáp ứng thi công, vướng đường dây điện 500 KVA dẫn đến phải thay đổi lại giải pháp xử lý nền đất yếu đến nay chưa được phê duyệt bổ sung,… thì chúng tôi không thể thi công đồng bộ trong công tác xử lý đất yếu tại nút giao này”, ông Khiêm nói.
Theo Bộ Xây dựng, giá các loại vật liệu xây dựng như thép, nhựa đường, xi- măng, cát, đá, gạch...sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng tăng giá từ thị trường nguyên liệu nhập khẩu, chi phí khai thác, sản xuất trong nước tăng. Hơn nữa, những tháng cuối năm là mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ cao hơn.
Khó khăn bủa vây khiến tình hình các nhà thầu hết sức khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà thầu không chỉ đối mặt với áp lực về tiến độ, chất lượng mà còn cả chuyện khan hiếm vật liệu và “bão giá”. Vì thế, ngoài cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu thì rất cần sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các ban, ngành trong việc ra quyết định chỉ đạo kịp thời để gỡ vướng cho các dự án đang thi công./.
Phải lăn xả tháo gỡ khó khăn, không bàn lùi
Ngày 26/8 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp với các Ban QLDA về tiến độ triển khai các tuyến cao tốc Bắc-Nam và một số công trình giao thông trọng điểm.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tỏ sự không bằng lòng với một số ban QLDA để xảy ra tình trạng chậm giải ngân tại các dự án trọng điểm.
Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cần kiểm điểm lại cách thức làm việc, quản lý tại sao dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh cảng hàng không Tân Sơn Nhất chưa thể đáp ứng kế hoạch giải ngân đã đăng ký.
Trả lời Bộ trưởng về sự chậm trễ trong công tác giải ngân dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, nguyên nhân vẫn đến từ sự chậm trễ trong công tác gia tải.
“Ban QLDA đã nghiêm khắc phê bình các nhà thầu liên quan. Hiện, công tác gia tải giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Ban đang yêu cầu các đơn vị tăng tốc thi công, phấn đấu đến ngày 30/9/2022 phải xong công trình cầu dọc tuyến để tăng khối lượng giải ngân.
Đối với dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, hiện, gói thầu thi công cầu Nhơn Trạch đã ký hợp đồng với nhà thầu. Gói thầu số 2 thi công đường dự kiến sẽ ký hợp đồng với nhà thầu trong tháng 9/2022. Việc giải ngân vốn cho dự án sẽ có cơ sở chuyển biến trong thời gian tới”, ông Thi nói.
Để đảm bảo hoàn thành trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận phối hợp với Vụ KH-ĐT thực hiện các thủ tục liên quan.
“Ban QLDA Mỹ Thuận cũng phải hợp Cục QLXD&CLCTGT rà soát hiệu quả thi công của các nhà thầu tại dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ. Nhà thầu nào cố tình làm chậm tiến độ dự án sẽ không xét duyệt cho tham gia các dự án mới, trước mắt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA phải lăn xả tháo gỡ vướng mắc, không để chậm tiến độ giải ngân tại dự án giao thông.