Tình hình lao động ở Cần Thơ “ổn và chưa ổn” sau Tết

VOV.VN - Đến cuối tháng 1 vừa qua, 94% nhà máy, doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP. Cần Thơ đã hoạt động trở lại với tỷ lệ công nhân làm việc đạt hơn 95%. Nhằm giữ thị trường lao động ổn định, các sở, ngành Cần Thơ đã có nhiều biện pháp chăm lo đời sống người lao động.

Có mặt tại các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ vào những ngày đầu tháng 2, công nhân hăng hái trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Thông tin từ Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt khoảng 80% vào ngày 27/1 (mùng 6 tháng giêng).

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Xuất Nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), Công ty TNHH TKG TaeKwang Cần Thơ, Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet… 100% người lao động trở lại làm việc. Nhìn chung, những năm gần đây, tỷ lệ người lao động làm việc trở lại sau Tết đều rất cao, ít xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do tự ý bỏ việc hay nhảy việc.

Nhằm khuyến khích người lao động trở lại làm việc đúng thời hạn, các công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như tặng tiền lì xì đầu năm, tổ chức cho công nhân bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà có giá trị…

Theo bà Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Cần Thơ, trước và sau Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn thành phố không xảy ra tranh chấp lao động hoặc đình công, không có tình trạng doanh nghiệp nợ lương hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Tình hình sử dụng lao động ổn định, không có biến động lao động là tín hiệu vui, thể hiện rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Thời gian tới, các cấp công đoàn thành phố tiếp tục chủ động cùng với người sử dụng lao động chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Liên đoàn lao động thành phố tập trung chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người lao động nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

“Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị nắm tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố; có những giải pháp tích cực, hiệu quả để tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ lao động và cân đối giữa cung - cầu lao động trên địa bàn TP. Cần Thơ”, bà Lê Thị Sương Mai nói.

 Tình hình lao động có việc làm tại các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ sau Tết tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau 3 năm chịu tác động của dịch Covid-19, số lượng người lao động thất nghiệp trên địa bàn cũng tăng lên. Ghi nhận thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP. Cần Thơ, hồ sơ xin việc nộp vào các Trung tâm sau Tết tăng nhanh do nhu cầu tuyển dụng lao động mùa vụ đã kết thúc.

Ông Trần Huy Hoàng và bà Uông Thị Diễm Kiều, cùng ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, có nhu cầu tìm việc mới chia sẻ:

“Hôm nay tôi đến nhờ tư vấn việc làm phù hợp với trình độ và chuyên môn. Bộ phận ở đây hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình, dễ hiểu, tận tâm”.

“Trước đây tôi từng đi làm nhưng vì hoàn cảnh gia đình tôi đã xin nghỉ việc. Tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ nhờ các cán bộ ở đây hướng dẫn cho tôi làm Bảo hiểm thất nghiệp. Các cán bộ cũng hướng dẫn rất kỹ vấn đề mình có nhu cầu tìm việc mới hay không, Nhu cầu trong nước hay ngoài nước hoặc là muốn học nghề nào đó không? Nói chung, nếu tôi biết được một ngành nghề nào khác thì cũng vui. Tôi mong mình có thể mở được một tiệm nước nho nhỏ cũng được để phụ giúp cho gia đình”.

Nắm bắt nhu cầu tìm việc tăng cao sau Tết Nguyên đán, ngay đầu quý I/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ đã tích cực đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động bằng nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp đa dạng, hiệu quả. Cụ thể, Trung tâm tích cực phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các quận/huyện, UBND các xã/phường/thị trấn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn qua điện thoại; gửi thông tin qua email; đăng tải thông tin trên trang fanpage, facebook của Trung tâm, ứng dụng phần mềm teams, zalo,.. để tư vấn cho từng nhóm người lao động có nhu cầu tìm việc làm.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám Đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ cho biết, hiện có 58 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với 143 vị trí việc làm, tương ứng hơn 480 chỗ việc làm trống cần tuyển, gồm các ngành nghề: Kỹ thuật, Kinh doanh bán hàng, dịch vụ, kế toán, nhân viên, kỹ thuật viên xét nghiệm, công nghệ thông tin,… Trung tâm đang cố gắng đa dạng hóa trong việc tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là mở tiếp các Phiên giao dịch việc làm trực tuyến với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/thành ĐBSCL và TP. HCM để nhanh chóng tìm chỗ thích hợp trong cũng như ngoài nước cho người lao động thất nghiệp.

“Trong năm 2023, Trung tâm sẽ tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành; tăng cường phiên giao dịch việc làm dành riêng cho một số đối tượng đặc thù như thanh niên hay bộ đội xuất ngũ; tăng cường tổ chức nhiều lớp đào tạo tập huấn về kỹ năng cho người lao động nói chung, các bạn học sinh sinh viên của các trường nói riêng. Trong đó, Trung tâm có mời doanh nghiệp tham gia để có tiếng nói cụ thể, xác thực từ phía doanh nghiệp giúp các bạn sinh viên của các trường có sự chuẩn bị hành trang khi tham gia vào thị trường lao động”, Bà Nguyễn Thị Bích Vân nói.

Ngày 20/2 tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ sẽ tổ chức sự kiện “Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng” dành cho người lao động thất nghiệp. Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn Cần Thơ. Hy vọng, với những giải pháp chăm lo tốt đời sống người lao động của Liên đoàn Lao động TP. Cần Thơ cùng chiến lược đưa người lao động thất nghiệp tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, đúng – trúng với nhà tuyển dụng, sẽ giúp thị trường lao động Cần Thơ thực sự bình ổn, người lao động sớm ổn định cuộc sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tín hiệu vui từ thị trường lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới
Tín hiệu vui từ thị trường lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới

VOV.VN - Ngay sau Tết Nguyên đán, gần 98% số lao động đã quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết trên địa bàn Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tín hiệu vui từ thị trường lao động trong những ngày đầu năm mới.

Tín hiệu vui từ thị trường lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới

Tín hiệu vui từ thị trường lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới

VOV.VN - Ngay sau Tết Nguyên đán, gần 98% số lao động đã quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết trên địa bàn Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tín hiệu vui từ thị trường lao động trong những ngày đầu năm mới.

Phát triển thị trường lao động - phòng ngừa tranh chấp phát sinh
Phát triển thị trường lao động - phòng ngừa tranh chấp phát sinh

VOV.VN - Năm 2023 dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn tiếp tục có những khó khăn, thách thức nhất định ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động.

Phát triển thị trường lao động - phòng ngừa tranh chấp phát sinh

Phát triển thị trường lao động - phòng ngừa tranh chấp phát sinh

VOV.VN - Năm 2023 dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn tiếp tục có những khó khăn, thách thức nhất định ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động.

Thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023
Thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023

VOV.VN - Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2023, thị trường lao động sẽ có những biến động nhất định, do đó, các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện việc làm cho người lao động và ổn định thị trường lao động trong nước.

Thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023

Thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023

VOV.VN - Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2023, thị trường lao động sẽ có những biến động nhất định, do đó, các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện việc làm cho người lao động và ổn định thị trường lao động trong nước.