Tới 80% lao động làm việc ở doanh nghiệp FDI bị sa thải là không đúng
VOV.VN -Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Con số có tới 80% người lao động làm việc ở một số doanh nghiệp FDI bị sa thải thì là không đúng thực chất.
Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Xung quanh ý kiến về việc phụ nữ sau 35 tuổi làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị sa thải, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là vấn đề lớn cần hết sức cẩn trọng trong đánh giá.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (ảnh: Quang Vinh) |
Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 9, Chính phủ đã báo cáo với Thường vụ về vấn đề này. Ngoài ra, Chính phủ đã cùng với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thành nhập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ từ khi nhận nhiệm vụ cũng đã dành thời gian thăm, đối thoại với công nhân.
Cách đây 1 tháng, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra và vào đến tận nơi công nhân ăn ở, thăm nơi con của công nhân học hành để thị sát đời sống của công nhân.
Đến nay, khu vực FDI có khoảng 2,6 triệu người lao động; 3,9 triệu người đóng bảo hiểm xã hội.
Khu vực doanh nghiệp FDI không chỉ đóng phần vào việc tăng trưởng kinh tế xã hội mà còn góp phần quan trọng giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh nhiều doanh nghiệp FDI có nhiều đổi mới, chăm lo cho người lao động thì còn một số doanh nghiệp có những việc làm chưa tốt, có nơi cho 100 công nhân đi vệ sinh trong buổi sáng chỉ phát có 3 thẻ nên nhiều người phải tranh nhau đi.
Vấn đề này, Chính phủ đã cho kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp này. Những nơi nào tiếp tục diễn ra tình trạng này thì Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu can thiệp về mặt chính quyền.
Đúng là thời gian vừa qua có những thực trạng như vậy nhưng con số mà các đại biểu và một số báo chí nêu là có tới 80% người lao động làm việc ở một số doanh nghiệp FDI bị sa thải thì là không đúng thực chất.
Số lượng lao động được giải quyết bảo hiểm thất nghiệp của 9 tháng đầu năm 2017 là 523.888 người; trong đó nữ là 293.681 người.
Riêng khu vực doanh nghiệp FDI, có 12% lao động làm việc và chiếm số lượng nhiều nhất ở khu vực này.
"Như vậy, việc nói ở doanh nghiệp FDI sa thải lao động vì nhiều lý do cần đánh giá cẩn trọng, đầy đủ. Nếu không thì sẽ ảnh hưởng lớn tới khu vực này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động vào Việt Nam nên nhân lực lao động nữ nước ta có nguy cơ mất dần thị phần không chỉ ở trên thị trường lao động quốc tế mà còn nguy cơ mất việc làm rất cao ở các ngành nghề như: dệt may, giày da do máy móc thay thế sức lao động con người (chiếm tới 85% lao động).
Số liệu này dự báo đến năm 2025 nếu không có điều chỉnh thì có thể là 70-80% lao động. Điều này đặt ra là chúng ta phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức./.
Lương hưu hơn 100 triệu đồng: Có nên kiểm soát mức đóng BHXH?
Sẽ đề xuất lùi thời gian tính lương hưu mới