Tổng Thanh tra Chính phủ: Tố cáo về đất đai vẫn còn là điểm nóng
VOV.VN -Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn còn là điểm nóng, tạo ra hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Theo số liệu của ngành thanh tra, từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 64% khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến đất đai. Do đó ngành thanh tra xác định nội dung này vẫn là điểm nóng, nhạy cảm, diễn ra gay gắt. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần hướng tới giải quyết triệt để, tránh nảy sinh những vụ việc phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang tiến hành đại hội đảng bộ.
Đại diện 3 hộ công dân khiếu nại liên quan đến đất đai tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội tại buổi làm việc với cơ quan chức năng. |
Khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai vẫn diễn ra phổ biến, nhất là khiếu nại, tố cáo xuất phát từ tranh chấp đất đai có chiều hướng phức tạp, kéo dài, đông người tham gia. Thậm chí, nhiều đoàn đông người khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan trung ương gây mất trật tự, an toàn xã hội, tạo ra những dư luận tiêu cực trong xã hội và nhân dân.
Kết quả của ngành thanh tra cho thấy, tính đến nay, số lượng đơn thư các loại đầu năm 2015 giảm khoảng 3%, nhưng số lượt đoàn đông người tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, với thái độ bức xúc, gay gắt, có tổ chức, trong đó, không ít vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, trở thành điểm nóng.
Đặc biệt, nội dung khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ cao, tới 64,6% đơn khiếu nại của công dân. Bên cạnh đó, kết quả giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài nhiều năm vẫn đang được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đơn cử như vụ việc khiếu nại của 3 hộ dân đối với Quyết định 4069 của UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, nằm trong số 528 vụ khiến kiện liên quan đến đất đai kéo dài nhiều năm đang được cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Sử, đại diện 3 hộ dân cho biết: “Mong sao công lý được minh bạch, còn nhưng ai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi cũng kiến nghị trả 1.186m3 đất của 3 hộ dân chúng tôi có đơn để sản xuất, khi nào nhà nước lấy đến để làm các công trình công ích thì chúng tôi sẽ trao trả không chống lại, không có đơn từ”.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai của công dân kéo dài, phức tạp, thậm chí gửi đơn vượt cấp gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, trong đó nhiều vụ việc đất đai do lịch sử để lại, các cấp chính quyền đã vận dụng, quan tâm, tìm mọi giải pháp để giải quyết đúng pháp luật, đúng thực tiễn, nhưng cũng chưa giải quyết hết yêu cầu của bà con, mà nguyên nhân một phần là do cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Hồng Điệp nói: “Các khiếu nại tố cáo đa số liên quan đến đai. Nguyên nhân một phần là các chính sách về sau có lợi nên phát sinh những khiếu nại tố cáo, có nghĩa cũng một phần do cơ chế chính sách. Do vậy, hệ quả là càng để lâu thì càng giải quyết khó vì theo cơ chế càng có lợi cho người dân nên việc khiếu nại, tái khiếu cũng càng cao, khó giải quyết vì theo cơ chế, nếu điều gì có lợi cho người dân thì việc khiếu nại, tái khiếu cũng cao”.
Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã và đang được các ngành chức năng tăng cường đẩy mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Ngành thanh tra tăng cường triển khai có trọng tâm, trọng điểm, trong đó có thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó việc rà soát, xem xét và giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện tồn đọng, phức tạp kéo dài theo Kế hoạch 1130 và 2100 của Thanh tra Chính phủ được triển khai có hiệu quả.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. |
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Ngay từ đầu năm chúng tôi đã ban hành Kế hoạch giải quyết khiếu nại tố cáo. Đồng thời, cử các tổ công tác về các địa phương để phối hợp rà soát giải quyết các vụ việc đông người kéo dài, đảm bảo giải quyết tại địa bàn nơi khiếu nại tố cáo xảy ra để bà con đỡ phải kéo lên Trung ương. Tăng cường sự phối hợp với các ban ngành chức năng tham gia giám sát cũng như các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp giám sát Luật khiếu nại tố cáo, đảm bảo giải quyết phần lớn yêu cầu của bà con”.
Có thể thấy, dù các ngành chức năng đã nỗ lực, với nhiều biện pháp, nhưng tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn còn là điểm nóng, tạo ra hệ lụy tiêu cực trong xã hội nhiều năm qua. Để giải quyết tốt vấn đề này, không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng mà hơn hết cần có sự phối hợp và tuân thủ pháp luật của công dân./.