TP.HCM đặt mục tiêu cải thiện thứ hạng cải cách hành chính lên gấp đôi
VOV.VN - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, các chỉ số cải cách hành chính của TP những năm qua cải thiện khá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; đồng thời đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những hạn chế, để ngay trong năm 2024 phải cải thiện rõ nét hơn các chỉ số này và tăng các thứ hạng lên gấp đôi so với năm 2023.
Thăng hạng nhưng chưa cao
Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của TP.HCM đạt 86,97 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này tăng 3 bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Về chỉ số khảo sát hài lòng (SIPAS) và điều tra xã hội học, TP.HCM đạt 16,89/22 điểm, xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2022 đã tăng 1,15 điểm và tăng 4 hạng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Kiều Thanh Hương, kết quả chỉ số cải cách hành chính của Thành phố có cải thiện hơn ở 2/8 nội dung đạt thấp nhiều năm liền (lĩnh vực Cải cách tổ chức bộ máy và Cải cách chế độ công vụ).
Tuy nhiên, Thành phố vẫn chưa bứt phá rõ nét, xuất phát từ 6 nguyên nhân như: cải cách thể chế xếp hạng thấp nhiều năm liền; cải cách hành chính nhiều năm vẫn bị trừ điểm; cải cách tổ chức bộ máy và cải cách chế độ công vụ còn khó khăn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số có nhiều chỉ tiêu chưa đạt.
"Một trong những trụ cột là lĩnh vực về chính quyền điện tử, chính quyền số có sự chuyển biến điểm trừ. So với năm trước thì năm nay cũng trừ nhưng mà mức độ thì chúng ta cũng ít hơn và tăng 7 bậc so với năm 2022", bà Hương nói.
Mục tiêu tăng gấp đôi, đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định, TP.HCM là thành phố lớn nên việc chuyển biến khó khăn, chậm chạp có phần do khách quan. Hai năm gần đây, TP.HCM có những chuyển biến tích cực về các chỉ số cải cách hành chính nhưng chưa thể vào top 15 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đã đề ra.
Thời gian tới, các sở, ngành cần tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Trong đó, đối với những mô hình cải cách hành chính hoặc mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy ở các địa phương có hiệu quả thì phải thống nhất áp dụng trên toàn Thành phố. Thời gian tới, TP chỉ có duy nhất một Cổng dịch vụ công, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và ưu tiên phát triển trực tuyến toàn trình.
Trong đó, TP xác định rõ, để ưu tiên phát triển trực tuyến toàn trình thì đòi hỏi có sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, phải áp dụng quy trình số tuyệt đối, bỏ hoàn toàn thủ tục bằng giấy tờ. UBND Thành phố sẽ khuyến khích người dân sử dụng hoàn toàn quy trình số bằng cách trình HĐND Thành phố ban hành nghị quyết về không thu phí 5 loại dịch vụ công trên địa bàn.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị, trong công tác chỉ đạo điều hành, đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan phải chịu trách nhiệm về công tác cải cách hành chính:
"Các đồng chí không đề ra kế hoạch khắc phục ngay tại đơn vị mình, không đề ra kế hoạch để tham gia thực hiện chung cùng TP. Hoặc là có kế hoạch nhưng không tổ chức triển khai tới nơi tới chốn, thiếu kiểm tra, giám sát, kế hoạch để đối phó, báo cáo mà không đạt được các mục tiêu cơ bản thì đó là trách nhiệm của người đứng đầu", ông Hoan nói.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, thời gian thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không dám tham mưu, không dám đề xuất, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành, địa phương ngay trong năm 2024 phải cải thiện rõ nét hơn các chỉ số này và tăng các thứ hạng lên gấp đôi so với năm 2023:
"Tôi xin được đặt ra mục tiêu năm sau chúng ta có những cải thiện đáng kể. Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 là 33, SIPAS là 36, PCI là 27 thì chúng ta cải thiện lên gấp đôi", ông Mãi khẳng định.