TP.HCM quyết tâm xoá bỏ các điểm đen tai nạn giao thông
VOV.VN - Trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại 9 điểm đen tai nạn giao thông. Ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kéo giảm các điểm đen tai nạn giao thông cũng như tiến tới xóa bỏ các điểm đen này.
Năm 2023, có 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Đến cuối năm 2023 có 4 điểm chuyển biến tốt, 12 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 08 điểm không chuyển biến.
Về điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) năm 2023, trên toàn địa bàn Thành phố có 9 điểm đen; đến cuối năm 2023, đã xóa được 8 điểm đen, tuy nhiên lại phát sinh mới 8 điểm đen TNGT khác. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại 9 điểm đen TNGT. Ngành chức năng Thành phố cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kéo giảm các điểm đen TNGT cũng như tiến tới xóa bỏ các điểm đen này.
Phongd viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với Thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP.HCM):
PV: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại nhiều điểm đen về TNGT. Vậy, lực lượng chức năng đã có những phương án xử lý như thế nào?
Thượng tá Đoàn Văn Quới: Phòng CSGT phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung thực hiện các biện pháp, hướng xử lý tại các điểm đen như sau:
Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị các sở ngành liên quan khẩn trương thực hiện và tổ chức thực hiện các phương án bảo đảm an toàn giao thông cho hiệu quả, có hướng dẫn cảnh báo tái lập các rào chắn, đặt các tín hiệu phản quang giúp người lái xe nhận biết vào ban đêm nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông.
Thứ hai, chúng tôi xây dựng kế hoạch để chuyển hóa các điểm đen và tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, sai làn đường, dừng đỗ sai quy định, chuyển hướng không đúng quy định, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, lưu thông ngược chiều, đi đường cấm, nồng độ cồn, ma túy...
Chúng tôi bố trí lực lượng cảnh sát giao thông 24/24 thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm tại các khu vực có điểm đen tai nạn giao thông, phối hợp với các đơn vị liên quan để có chế tài đối với các phương tiện vi phạm luật giao thông.
Như chúng tôi phối hợp với cảng Cát Lái trong việc chế tài các phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm luật giao thông nhiều lần, cơ quan CSGT chúng tôi sẽ lập danh sách để gửi cho cảng từ đó cảng sẽ có chế tài từ chối phương tiện vi phạm vào trong cảng để lấy hàng trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều này cũng khiến cho chủ phương tiện phải cần có trách nhiệm cao hơn trong công tác giáo dục tuyên truyền cho đội ngũ lái xe. Cái nữa, chúng tôi tuyên truyền cho người dân khi lưu thông qua khu vực có điểm đen tai nạn giao thông biết nơi đây là điểm đen TNGT bà con cần chú ý quan sát kỹ lưỡng, nơ đây rất ngu hiểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Do đó, khi tham gia giao thông, cần phải chú ý tập trung hơn các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông để phòng tránh tai nạn xảy ra.
PV: Trong quá trình triển khai xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông xung quanh các khu vực điểm đen, chúng ta gặp những khó khăn, bất lợi nào, thưa Thượng tá?
Thượng tá Đoàn Văn Quới: Mỗi vị trí điểm đen có một đặc thù riêng, khác nhau và tình hình tổ chức giao thông cũng khác nhau, nên công tác xử lý tại điểm đen thì bắt buộc lực lượng cảnh sát giao thông phải bố trí tại một vị trí liên tục, thường xuyên. Trong khi quân số của đơn vị cũng phải triển khai rất nhiều chuyên đề, nên cũng hạn chế về biên chế quân số. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng để thực hiện tốt để triệt xóa những điểm đen này.
Thứ hai, một số điểm đen có lòng đường nhỏ hẹp, không có lề đường, cũng gây khó khăn cho việc dừng xe để xử lý, khó cho cả lực lượng chức năng thực thi công vụ và người lái xe. Thứ ba, nhiều vị trí có mật độ giao thông lớn, vòng xoay rộng, khó quan sát, gây ra các điểm mù cho các phương tiện xe ô tô, dễ gây va chạm, tai nạn, như ở vòng xoay Mỹ Thủy, vòng xoay Quốc lộ 1 Nguyễn Văn Linh.
PV: Vậy, ngoài việc xử lý các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các khu vực điểm đen TNGT, thời gian tới chúng ta sẽ phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thêm những giải pháp nào để hạn chế TNGT xảy ra xung quanh khu vực các điểm đen?
Thượng tá Đoàn Văn Quới: Ngoài các giải pháp của lực lượng Cảnh sát giao thông như bố trí lực lượng tại một điểm để tuần tra kiểm soát hoặc là tuần tra kiểm soát cơ động để xử lý vi phạm, cũng như công tác tuyên truyền… Phòng Cảnh sát giao thông chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông tiến hành khảo sát để thực hiện nhiều biện pháp về hạ tầng giao thông tùy theo tình hình trật tự an toàn giao thông tại từng thời điểm.
Cụ thể, như xây dựng các mô giảm tốc, vạch sơn giảm tốc khi đến gần khu vực điểm đen để hạn chế tốc độ của người điều khiển phương tiện và nâng cao sự chú ý quan sát của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bổ sung các biển cảnh báo như đoạn đường này thường xảy ra tai nạn giao thông, biển báo chú ý quan sát, biển báo đoạn đường thường xuyên kiểm tra tốc độ, biển cảnh báo nguy hiểm.
Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các đơn vị lắp đặt thêm camera quan sát giao thông để ghi hình xử phạt các hành vi vi phạm về trật tự giao thông, cải tạo thêm kích thước hình học tại các vị trí con lươn, mở rộng các gốc rẽ, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông, bổ sung biển báo cấm dừng cấm đỗ xe, tăng cường đèn chiếu sáng vào ban đêm, thường xuyên kiểm tra duy tu sửa chữa mặt đường bị hư hỏng, sơn mới các vạch sơn.
Theo tình hình thực tế, lắp đặt các giải phân cách để tách riêng làng ô tô với làng xe hai bánh, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu riêng cho ô tô và xe hai bánh, hiện nay phân chiều đèn tín hiệu giao thông khi đèn xanh thì làn ô tô được lưu thông, hai bánh phải dừng lại và chiều đèn bên kia thì ngươc lại như ở vòng xoay Quốc lộ 1 Nguyễn Văn Linh và vòng xoay Mỹ Thủy.
PV: Vâng, xin cảm ơn Thượng tá!