TP.HCM sẵn sàng cho năm học mới
VOV.VN - Từ 21/8, học sinh tại TP.HCM sẽ lần lượt tựu trường, bắt đầu năm học mới 2023-2024. Đến thời điểm này, các quận huyện của Thành phố đã hoàn tất các công tác tuyển sinh đầu cấp, bố trí phòng học, chỗ học cho học sinh để đảm bảo cho năm học mới được diễn ra thuận lợi.
Tăng sĩ số lớp học, tuyển thêm giáo viên
Ông Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8) cho biết, năm nay việc tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến có thuận lợi cho không chỉ nhà trường mà còn cả phụ huynh. Nhà trường không cần bố trí giáo viên nhận hồ sơ, sắp xếp, phụ huynh cũng không cần phải đi lại nhiều mà đúng thời gian sẽ có danh sách, chỉ cần đến bổ sung hồ sơ sau khi đã có kết quả. Năm học này, nhà trường nhận khoảng 340 em học sinh vào lớp 1, chia làm 9 lớp, trung bình 1 lớp 45 em.
Từ tuần sau, học sinh lớp 1 sẽ đến trường để làm quen với trường lớp, chưa bắt đầu học chương trình mới ngay. Đến thời điểm này, nhà trường đã bố trí xong các lớp, giáo viên hướng dẫn cũng như hoàn tất công tác vệ sinh cơ sở vật chất để đón học sinh quay trở lại trường.
“Tuần tới chủ yếu hướng dẫn các em một số kỹ năng như xếp hàng, tư thế ngồi, chào hỏi để các em làm quen với các kỹ năng cần thiết, chuẩn bị vào học”, ông Lê Thành Sơn nói.
Còn tại quận Gò Vấp, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, hàng năm quận đều tiến hành rà soát, sửa chữa cơ sở vật chất ngày từ đầu hè. Năm nay quận Gò Vấp không xây dựng trường mới, số phòng học không tăng nên quận đưa ra phương án là tăng sĩ số các lớp 7,8,9 để làm sao đủ đủ chỗ cho học sinh lớp 6 mới vào. Bên cạnh đó, quận cũng duy trì các lớp học di động như trước đây để đảm bảo việc học 2 buổi/ngày hoặc không giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở các lớp.
Quận Gò Vấp cũng đang tiến hành tuyển dụng giáo viên với hơn 380 chỉ tiêu, tỷ lệ nộp hồ sơ mới chỉ 35%, tình hình chung là đều thiếu giáo viên dạy các môn năng khiếu như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, tin học…
“Chúng tôi cho các trường chủ động hợp đồng với giáo viên nghỉ hưu còn sức khoẻ hoặc các giáo viên trước đây nghỉ việc bây giờ vẫn còn mong muốn được giảng dạy, thực hiện hợp đồng với giáo viên đang công tác ở các trường công lập, sang các trường công lập khác dạy thêm giờ để đảm bảo được số giờ dạy quy định, đảm bảo được chất lượng giáo dục theo như Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu”, ông Trịnh Vĩnh Thanh cho hay.
Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, toàn thành phố hiện thiếu khoảng 4.000 giáo viên và đã triển khai thi tuyển giáo viên cho khối THPT. Số giáo viên cấp THCS thiếu nhiều ở các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, đặc biệt là các môn tích hợp. Cũng theo ông Hiếu, năm nay, Đại học Sài Gòn có 25 giáo viên tốt nghiệp dạy tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và 8 giáo viên dạy tổ hợp môn Khoa học xã hội, đây cũng là nguồn tuyển bổ sung cho các trường THCS của thành phố.
Một số quận huyện của TP.HCM có số học sinh cơ học tăng cao như quận Bình Tân, Quận 12, TP. Thủ Đức…, ngoài cơ sở vật chất được đưa vào sử dụng mới thì hầu hết đều bố trí phương án tăng sĩ số lớp và giảm số thời gian học 2 buổi/ngày. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học này, toàn thành phố tăng hơn 35.000 học sinh, đặc biệt ở khối lớp 6. Thành phố vẫn bố trí đầy đủ chỗ học cho học sinh có nguyện vọng vào công lập. Gần 700 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Sở cũng đã chỉ đạo đưa hệ thống học liệu lên website của sở, của trường để học sinh tham khảo khắc phục khó khăn trước mắt về cơ sở vật chất.
“Để nhận hết học sinh thì các quận, huyện cũng rất áp lực. Các quận, huyện cũng chỉ còn giải pháp là tăng sĩ số học sinh trên lớp, vượt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là điều bất khả kháng cũng như giảm bớt các lớp học 2 buổi một ngày của các địa phương để tăng chỗ học. Thậm chí nhiều trường đã "hy sinh" cả phòng học bộ môn để bố trí bàn học thành phòng học, đó là một trong những khó khăn của năm học 2023-2024”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay.