TP.HCM xử lý rác thải tại những khu vực cách ly, phong toả như chất thải nguy hại
VOV.VN - Toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung như bệnh viện, bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế, khách sạn… đều do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt đối với chất thải nguy hại.
TP.HCM đang có thêm nhiều điểm cách ly, phong toả do dịch COVID-19. Lượng rác thải y tế, rác sinh hoạt rất nhiều. Đối với rác thải tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 không thể xem là rác thải thông thường vì có nguy cơ lây nhiễm bệnh nên quy trình thu gom, xử lý như chất thải nguy hại.
Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đến ngày 21/6, tại TP.HCM có tổng cộng 49 khách sạn, nhà nghỉ… được sử dụng làm điểm cách ly tập trung có thu phí. Phân loại và xử lý rác sinh hoạt, rác lây nhiễm tại những địa điểm này được chính quyền TP giám sát chặt chẽ và các cơ sở lưu trú chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan từ hoạt động này. Anh Lê Hậu, nhân viên dọn phòng của 1 khách sạn tại Quận 5, TP.HCM cho biết, từ khi khách sạn anh làm việc trở thành nơi cách ly tập trung cho những người nhập cảnh về TP, anh được tập huấn công tác thu gom và vận chuyển rác theo quy trình để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
"Về phân loại thì chia làm 2 loại. Rác sinh hoạt của khác để riêng, rác y tế để riêng 1 thùng. Trước khi gom rác, nhân viên sẽ xịt Clo vào rác và chờ 15 phút để Clo ngấm. Sau khi gom thì khử khuẩn lại một lần nữa. Thường là xe của đơn vị thu gom sẽ đến vào mỗi buổi sáng thứ 3, 4, 5 trong tuần", anh Hậu nói.
Khu A và B của ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, đang có khoảng 5.000 người cách ly tập trung. Ngoài việc phục vụ các bữa ăn đến từng phòng trong khuôn viên 2 toà nhà này, các chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy Quân sự các quận, huyện, dân quân, tình nguyện viên phải đảm bảo việc thu gom rác kịp thời và tiêu độc khử trùng sau khi tiếp xúc với rác y tế có nguy cơ lây nhiễm.
Anh Đỗ Minh Tuấn, Trợ lý Ban pháp huấn, Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, dù khối lượng công việc lớn, việc thu gom, phân loại rác luôn được ưu tiên. Tuy nhiên, để tránh rác ùn ứ, tập trung thời gian dài có thể gây ảnh hưởng cho lực lượng phòng chống dịch, anh Tuấn đề xuất: "Một ngày dọn 3 lần theo 3 buổi ăn, ngoài ra khi quan sát camera các tầng nếu thấy rác tập trung nhiều thì anh em sẽ lên dọn. Có đề xuất là công ty môi trường nên phải tăng chuyến lên và số người đi theo chuyến xe thu gom, trừ những lúc chúng tôi có thể sắp xếp nhân sự thì chúng tôi mới có thể phụ đưa rác lên xe".
Hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung như bệnh viện, bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế, khách sạn… đều do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt đối với chất thải nguy hại.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết, hiện nhà máy xử lý loại rác này đang hoạt động hết công suất là 40 tấn một ngày: "Rác ở các khu cách ly tập trung mới được xem là rác lây nhiễm. Với khối lượng rác được phân loại hiện nay tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP thì công ty chúng tôi vẫn đảm bảo xử lý được toàn bộ rác này. Chúng tôi chỉ yêu cầu các khu cách ly chủ động phân loại ra rác lây nhiễm và rác sinh hoạt. Hiện nay anh em thu gom được trang bị quần áo bảo hộ và lấy theo quy trình".
Cũng theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, những địa điểm phát sinh ngoài khu cách ly như các điểm phong tỏa tạm thời trong khu dân cư sẽ do UBND các phường phân công cho các HTX Môi trường, đơn vị dân lập thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy trình. Tuy nhiên, trang thiết bị, phương tiện ở nhiều địa phương phần lớn chỉ dùng để phục vụ hoạt động thu gom rác trong điều kiện bình thường, không ít lực lượng thu gom rác dân lập sử dụng phương tiện xe ba gác tự chế nên rác thải không được che đậy. Do đó, cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ chính quyền TP để quy trình thu gom được đảm bảo ở tất cả địa điểm, góp phần phòng chống dịch Covid-19./.