Tranh luận việc có nên đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc
VOV.VN - Sở GD&ĐT các tỉnh, thành đang khảo sát ý kiến giáo viên về hai phương án môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Sự khác biệt giữa hai phương án này chỉ là có hay không đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc. Điều này đang gây tranh cãi trong giáo viên.
Môn thi Lịch sử đang là đề tài gây tranh cãi trong cuộc khảo sát lấy ý kiến các giáo viên về phương án số môn thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh, cụ thể:
Lựa chọn 1 gồm 6 môn, trong đó có Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.
Lựa chọn 2 gồm 5 môn, trong đó có Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, bao gồm cả môn Lịch sử.
Hai phương án được đưa ra đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên. Có ý kiến cho rằng Lịch sử là môn học bắt buộc thì đương nhiên phải là môn thi bắt buộc. Quan trọng hơn đây là môn học đặc thù có nhiệm vụ quan trọng giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên cũng có ý kiến nói, nếu Lịch sử cùng với Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là các môn thi bắt buộc sẽ rất thiệt thòi cho học sinh lựa chọn tổ hợp các môn tự nhiên ở bậc THPT. Bên cạnh đó, nếu lựa chọn phương án 1, học sinh phải thi 6 môn, gây áp lực, căng thẳng cho học sinh.
Chia sẻ quan điểm với VOV2, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Bùi Thị Xuân (TP. Hồ Chí Minh), trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT, phương án 2 là phù hợp với học sinh.
"Giảm môn thi là giảm áp lực cho học sinh. Ngược lại, thi nhiều môn học sinh sẽ phải ôn thi nhiều hơn và điều này sẽ khiến áp lực thi cử tăng", ông Phú chia sẻ quan điểm.
Ông Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng, môn học bắt buộc và môn thi bắt buộc là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
"Nếu đặt vấn đề, môn học bắt buộc việc thi cũng phải bắt buộc thì học sinh học bắt buộc bao nhiêu môn thì phải thi tất cả bấy nhiêu môn. Chúng ta nên nhớ có những môn học lựa chọn nhưng là lựa chọn bắt buộc. Khi các em lựa chọn rồi thì phải học bắt buộc. Như vậy theo logic thì phải thi bắt buộc cả những môn này", ông Huỳnh Thanh Phú lý giải.
Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cũng phân tích, khi học sinh đã lựa chọn thì môn học nào cũng là bắt buộc. Điều quan trọng việc tổ chức kỳ thi như thế nào để vừa giảm áp lực cho học sinh nhưng đồng thời thực hiện được các mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học.
Chia sẻ quan điểm với VOV2, thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Hà Nội) nói, việc Bộ GD-ĐT khảo sát, lấy ý kiến giáo viên về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó tập trung vào việc môn Lịch sử là môn thi bắt buộc hay lựa chọn thể hiện sự thận trọng của Bộ GD-ĐT trước khi trình phương án chính thức tới Chính phủ.
Thầy Trần Mạnh Tùng nhớ lại, kỳ thi tốt nghiệp năm 1997 được tổ chức với 5 bài thi và học sinh thế hệ đó cũng rất vất vả. Do vậy, phương án thi 5 môn (3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn) là phù hợp để giảm áp lực cho học sinh. Bên cạnh đó, phương án này cũng không tạo ra sự mất công bằng cho các em học thiên về các môn Khoa học tự nhiên.
"Nếu kỳ thi được tổ chức là 6 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử cùng 2 môn lựa chọn khác sẽ rất thiệt thòi cho học sinh lựa chọn tổ hợp các môn tự nhiên ở bậc THPT", thầy Trần Mạnh Tùng nói.
Trước băn khoăn cho rằng, nếu phương án 2 được chọn đồng nghĩa với việc môn Lịch sử không phải là môn thi bắt buộc sẽ khiến học sinh lơ là việc học, chất lượng dạy và học môn học quan trọng này bị ảnh hưởng, thầy giáo Trần Mạnh Tùng lại có suy nghĩ khác.
Ông nói: Điều quan trọng của môn Lịch sử không phải là thi bắt buộc hay lựa chọn mà đổi mới cách dạy, cách học, cách tổ chức lớp học sao cho hấp dẫn, mới lạ từ đó học sinh yêu thích học lịch sử.
"So sánh với chương trình giáo dục phổ thông trước 2018, tất cả các môn đều học bắt buộc nhưng không phải môn nào cũng thi bắt buộc. Có môn thi bắt buộc, có môn thi lựa chọn, có môn chỉ học mà không thi", thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ quan điểm.