Trẻ lớp 1 "cõng" 20 cuốn sách: Hướng dẫn không rõ thì khác gì ép mua
VOV.VN - Bộ sách vài chục cuốn, dù trường không ép nhưng nếu không hướng dẫn một cách có tâm, phụ huynh chẳng rõ cuốn nào không bắt buộc thì ai dám mua thiếu dù chỉ một cuốn?
Mấy ngày nay, cộng đồng các phụ huynh bức xúc vì chuyện học sinh lớp 1 phải “cõng” bộ sách khoảng 20 cuốn và cha mẹ cũng “cõng” số tiền mua sách đắt gấp 3-4 lần bình thường.
Cụ thể, một phụ huynh tại trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội) phản ánh, gia đình phải bỏ ra hơn 300.000 đồng để mua bộ sách lớp 1 gồm 19 cuốn và vài trăm nghìn đồng nữa cho bộ hình khối môn Toán, bộ đồ dùng Toán - Tiếng Việt. Theo người này, nhà trường và đơn vị phát hành không thông báo, giải thích rõ đâu là sách giáo khoa (bắt buộc) và đâu là sách bổ trợ, tham khảo (không bắt buộc) nên họ phải mua cả “combo”.
Trước đó mấy ngày, phụ huynh của một học sinh lớp 1 ở TP HCM phản ánh, hồi tháng 7, trường mầm non của con chị khi làm hồ sơ cho cháu vào lớp 1 đã thông báo số tiền mua sách là 807.000 đồng, kèm theo danh mục 25 cuốn gồm sách giáo khoa, sách tiếng Anh các loại, vở bài tập, sách bổ trợ, bảng viết…
Chỉ khi “kêu lên” như vậy, nhà trường và các đơn vị liên quan mới giải thích rằng trong số đó chỉ có một số cuốn là bắt buộc, trường không ép phụ huynh mua cả bộ, chỉ là có sai sót khi không thông báo rõ sách nào phải mua, sách nào không nhất thiết phải mua.
Không ép, nhưng không hướng dẫn rõ thì chẳng khác gì gợi ý phụ huynh mua trọn bộ. Đối với những gia đình khó khăn, 100.000 đồng phải chi thêm cũng đủ khiến họ đau đầu vì phải “giật gấu vá vai”. Trong khi đó, do không biết, nhiều phụ huynh phải trả thêm vài ba trăm, thậm chí tới 500 nghìn đồng cho những cuốn sách chưa chắc cần thiết.
Tôi cũng nhiều lần ở trong tình huống đó. Bao nhiêu năm trời, cứ sắp vào năm học mới, các con lại đưa về thông báo của trường về số tiền mua sách, kèm theo danh mục các cuốn trong bộ. Tôi đọc mà hoa mắt; trừ một số cuốn ai cũng biết chắc là sách giáo khoa, những cuốn còn lại (chiếm từ một nửa đến 2/3) tôi không biết có phải mua hay không. Do không có thời gian tìm hiểu ngọn ngành, tôi đều tặc lưỡi đóng tiền mua trọn bộ. Và nhiều cuốn trong số đó không được mở ra trong suốt năm học.
Ai cũng hiểu, đối với người làm cha làm mẹ, việc học của con quan trọng vô ngần. Sách vở cần cho việc học của con, dù túng thiếu cũng phải cố mua đủ. Nhưng giữa ma trận sách được in và đưa vào danh sách được phát bởi nhà trường, phụ huynh làm sao tự phân biệt được cuốn nào không thực sự cần thiết? Nếu trường không chỉ rõ, ai dám không mua đủ bộ?
Tôi nghĩ ban giám hiệu, thầy cô đều hiểu rõ ảnh hưởng, tác động lời tư vấn, định hướng… của mình đối với phụ huynh trong mọi vấn đề liên quan đến việc học của trẻ. Nếu nghĩ cho học sinh, cho phụ huynh, họ hẳn đã có hướng dẫn một cách rõ ràng hơn. Đơn giản, chỉ cần thêm một cột chú thích trong danh mục sách, ghi chữ “bắt buộc” vào những cuốn không thể không mua, là đủ xóa bỏ sự mơ hồ, giúp cho cả cái lưng học trò lẫn túi tiền phụ huynh đỡ nặng đến phân nửa.
Một chút thay đổi đó chẳng gây khó khăn, vất vả, tốn kém gì, chỉ cần “có tâm” mà thôi./.