Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Thiếu đủ thứ
VOV.VN - Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 toàn ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng thực trạng thiếu đủ thứ, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ vẫn diễn ra ở rất nhiều nơi.
Vấn đề này không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ mà cả hiệu quả của chương trình mới. Đặc biệt, việc thiếu sách giáo khoa lớp 10 trong năm đầu tiên triển khai ở bậc THPT đang gây nhiều khó khăn cho cả thầy và trò.
Năm học mới đã bắt đầu được gần 2 tuần, thế nhưng nhiều học sinh lớp 10 ở Trường THPT Lương Thế Vinh, thành phố Hà Nội vẫn chưa có đủ sách giáo khoa để học. Các em đã đăng ký mua sách tại trường, nhưng do các vấn đề từ phía đơn vị xuất bản, cung ứng sách, nên đến nay vẫn còn một số môn học tự chọn theo chương trình mới chưa có sách để học. Chương trình học mới, lại không có sách giáo khoa, nên các em khá vất vả để có thể nắm bắt được kiến thức thầy cô giảng trên lớp.
Em Phạm Thùy Dung học sinh lớp 10 cho biết: "Do việc chưa có sách giáo khoa nên có một số bài cần sử dụng đến nhiều khái niệm cũng như cần sử dụng nhiều đến hình ảnh thì bọn con chưa được tiếp cận nhiều cũng như rất khó để việc chuẩn bị bài trước nhà. Con bắt buộc phải tập trung nghe thầy cô giảng, cố gắng ghi chép nhanh nhất có thể, không thể mà lơ là mất tập trung trong giờ vì sẽ rất khó để theo kịp các bạn với chương trình mới này".
Cũng giống như Phạm Thùy Dung, em Nguyễn Lan Nhi cho biết, nếu các thầy cô thì không thể phổ biến kỹ càng hơn về những kiến thức cho học sinh, còn học sinh thì rất khó nắm bắt bài hơn, chỉ nghe và không được nhìn, không được đọc, không được thích tick note, thế nên rất nhiều bất trắc.
"Nếu có sách giáo khoa thì chắc chắn sẽ được đọc bài trước rồi chuẩn bị trước nó sẽ yên tâm hơn", em Lan Nhi cho biết.
Học sinh gặp khó khi tiếp thu bài giảng do không có sách giáo khoa, còn các giáo viên cũng phải tìm mọi giải pháp để có thể truyền đạt kiến thức tới học sinh theo cách dễ hiểu nhất. Thế nhưng, nhiều giáo viên cho rằng, do chưa có sách giáo khoa, nên nhiều học sinh không thể chuẩn bị bài trước ở nhà, sau khi học xong thì cũng không thể ôn tập và làm bài tập về nhà, vì thế cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, không phát huy được các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh theo mục tiêu mà chương trình mới đề ra.
Cùng với việc dạy và học gặp khó do chưa có đủ sách giáo khoa, thì nhiều trường cũng phải đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã xuống cấp, đội ngũ giáo viên thì không đủ. Cơ sở vật chất, thiết bị thực hành cũ đều hỏng, xuống cấp, trong khi thiết bị dạy học theo chương trình mới lại chưa được trang bị, nên nhiều trường đành phải dạy “chay”, dạy học mô phỏng đối với các môn học cần thí nghiệm, thực hành.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Thuần Mỹ, Hà Nội cho biết: "Thực hiện theo chương trình mới thì một số cấp phù hợp các thiết bị mới thì nhà trường còn đang rất khó khăn. Còn thiếu cho nên nhà trường cũng đã đề nghị cấp trên là tiếp tục đầu tư bổ sung cấp toàn bộ phương tiện thiết bị để phục vụ cho dạy và học viện".
Tại tỉnh Hòa Bình, một số trường đã xây dựng được phòng học bộ môn thì lại chưa có thiết bị, còn một số trường có phòng học bộ môn, có thiết bị thực hành thì lại không có giáo viên để giảng dạy. Bà Ngần Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia A cho rằng: "Phòng tin học đã được xây dựng. Tuy nhiên, chưa đủ chưa đủ máy để cho cháu được thực hành và cũng ít học ít nhất là cơ bản thôi".
Còn ông Xa Văn Chệ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Chiềng, tỉnh Hòa Bình nêu thực tế: Có giáo viên tiếng Anh, còn giáo viên Tin học thì hiện nay thì cũng mới thuyên chuyển đến trường khác nên hiện là vẫn chưa có.
Ở bậc trung học cơ sở, trong thời điểm chưa có giáo viên dạy kiến thức liên môn, nên nhiều giáo viên được đào tạo và đang dạy học đơn môn giờ phải dạy thêm kiến thức của 2-3 môn. Dù đã được tham gia lớp bồi dưỡng để bổ sung thêm kiến thức môn học mới, nhưng việc chuyển đổi từ dạy một môn sang dạy tích hợp, nên các giáo viên đang phải nỗ lực tự học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức của của lĩnh vực mới để có thể dạy được theo yêu cầu của chương trình mới.
Dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai sang năm thứ 3, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn đang phải tổ chức dạy và học trong tình trạng “thiếu đủ thứ”. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tuyển dụng giáo viên cần có thời gian, vì thế, trong thời điểm này, các cơ sở giáo dục trên cả nước buộc phải xoay sở để có thể tổ chức dạy và học theo điều kiện thực tế./.