Trông giữ xe ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn: Sẽ còn bế tắc lâu dài...
VOV.VN - Sở GT-VT Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ GT-VT tiếp tục cho phép Hà Nội sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô.
Nguyên nhân được đưa ra là, diện tích đất đô thị dành cho giao thông tĩnh mới đạt 0,6% - kém xa mục tiêu 4%, trong khi tình hình đầu tư bãi đỗ xe chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư, vì vậy hệ thống giao thông tĩnh của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.
Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội.
PV: Ông đánh giá thế nào về kiến nghị của Hà Nội xin trung ương tiếp tục cho phép trông giữ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn?
Ông Trần Huy Ánh: Tôi nghe tin này thì thấy cũng bình thường thôi. Đấy là những giải pháp tình thế của Hà Nội trước việc thiếu quy hoạch tổ chức giao thông tĩnh, và nó cũng ảnh hưởng thẳng đến giao thông động.
Ô tô có 2 trạng thái, một là đi, hai là đứng lại. Nếu anh đứng lại, anh lấy luôn cả không gian của anh đi. Nếu anh không tổ chức được không gian cất giữ, thì cứ vỉa hè, lòng đường là làm.
Nó thể hiện sự thiếu chiến lược, chính sách phù hợp theo đúng luật khi sử dụng các không gian giao thông vào mục đích phi giao thông. Hà Nội, TP.HCM đang có sáng kiến, mà tôi nghĩ là tối kiến. Mà điều này sẽ bế tắc vì vi phạm Điều 8, Luật Giao thông đường bộ. Anh kẻ vẽ, lập phương, cuối cùng đề xuất lên thì Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng chưa có câu trả lời rõ ràng.
Tôi nghĩ nó sẽ còn bế tắc lâu dài nếu chúng ta cứ tình thế trong giải quyết một nhu cầu cơ bản.
PV: Thực tế, Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100 năm 2013 có điều khoản đặc biệt, cho phép UBND cấp tỉnh, thành phố trong điều kiện cụ thể, được sử dụng “tạm thời” vỉa hè đến năm 2023 vào mục đích trông giữ xe. Và bây giờ là năm 2024, các thành phố lại tiếp tục xin gia hạn để trông giữ xe trên vỉa hè, đồng thời thúc đẩy lộ trình sửa Luật để được trông giữ xe ở gầm cầu cạn. Không rõ, sự tạm bợ này khi nào thì kết thúc?
Ông Trần Huy Ánh: Nếu cứ hết hạn lại xin gia hạn tạm thời có nghĩa là vô thời hạn. Nó cho thấy sự lúng túng của các địa phương. Thực tế, nhu cầu đỗ xe và dịch vụ cung cấp đỗ xe rất phát triển trên khắp đô thị thế giới. Nó đóng góp không nhỏ cho thu ngân sách địa phương, cũng như phát triển bất động sản đỗ xe, tạo ra nhiều việc làm.
Trong khi tài sản công chúng ta có hạn, cứ loay hoay cung cấp đỗ xe như một phúc lợi xã hội. Bản chất nó là một dịch vụ phải trả đúng giá. Nếu anh không có chính sách đỗ xe đúng, thì không bao giờ anh có thể đáp ứng được nhu cầu đấy cả.
Có rất nhiều cơ hội các thành phố lập lại trật tự đỗ xe ở lòng đường, hè phố ở quy hoạch điều chỉnh quy hoạch thủ đô, quy hoạch vùng. Nhưng những quy hoạch đó lại không phản ánh những nhu cầu thiết thực ấy. Chúng ta có cơ hội nhưng không làm, mà cứ tiếp tục phát triển hai đô thị lúc nào cũng tạm thời, chắp vá.
PV: Các nhà đầu tư điểm đỗ xe chưa thực sự mặn mà. Theo ông, đâu là lý do mấu chốt?
Ông Trần Huy Ánh: Chúng ta phải nhìn nhận việc đỗ xe ở vỉa hè, lòng đường, gầm cầu có đúng luật hay không? Có nên hợp thức việc làm sai luật đó không?
Chúng ta nhận thức đúng thì vừa làm đúng luật, vừa triển khai đúng quy luật thị trường, vừa làm tăng ngân sách địa phương.
Nếu chúng ta cứ lèm nhèm việc sử dụng công sản với sở hữu tư, nói về việc hạ tầng không đáp ứng được thì thực tế chúng ta không phấn đấu để vươn tới mục tiêu hạ tầng đó.
Khi chúng ta không ứng xử với việc đỗ xe như thế là sai phép, thì anh cấp đất kiểu gì thì người ta cũng biến danh nghĩa bãi đỗ xe thành bất động sản. Vì người ta không thể đầu tư một bãi đỗ hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng không thể cạnh tranh với một người chỉ xin giấy phép, bỏ 10 nghìn đồng kẻ vạch sơn trên đường. Đó là sự bất đối xứng.
Giải quyết được chính sách đỗ xe thống nhất, công bằng trong toàn thành phố thì không chỉ đất cấp để làm bãi đỗ xe, họ sẽ làm bãi đỗ xe, mà người dân sẽ dùng đất của họ để làm dịch vụ đỗ xe theo giá của kinh tế thị trường.
Nhiều thành phố trên thế giới, ở những chung cư vắng vẻ, người ta cũng dồn lại sửa thành bãi đỗ xe. Chứ không phải cấp đất bãi đỗ xe để làm chung cư, mà người ta xây chung cư thì sẵn sàng hoán đổi, dù chi phí cao.
PV: Xin cảm ơn ông!