Trung Quốc xây dựng trái phép nhằm độc chiếm Biển Đông
VOV.VN -Giành được Biển Đông rồi thì việc quyết định tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông nằm trong tay Trung Quốc.
Đồng thời với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng tại bãi đá Gạc Ma - Chữ Thập - Châu Viên thuộc quần đảo Trường sa thành một căn cứ quân sự quy mô lớn. Theo PGS.TS, Nhà giáo nhân dân, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, vào năm 1956, theo Hiệp định Geneve 1954 thì 2 năm sau phải tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam, nhưng các thế lực phản động phá hoại cuộc tổng tuyển cử đó. Cũng từ năm 1956, chính quyền Pháp chiếm giữ nam vĩ tuyến 17 nhưng giao cho ông Bảo Đại quản lý. Đó là một lỗ hổng về quyền lực. Lợi dụng thời cơ đó, Trung Quốc cho quân đánh chiếm nhóm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa và họ bắt đầu xây dựng những căn cứ ở cụm đảo đó, đặc biệt là ở đảo Phú Lâm.
Đến tháng giêng năm 1974, Mỹ rút khỏi Việt Nam và công nhận toàn vẹn thống nhất của của Việt Nam, thì Trung Quốc biết rằng chế độ Việt Nam Cộng hòa không thể thắng nổi nhân dân Việt Nam. Do đó họ cố tình gây căng thẳng với Hải quân Việt Nam Cộng hòa, tạo cớ xua quân đánh chiếm nốt cụm Lưỡi Liềm ở phía tây quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy từ năm 1974 đến nay, tròn 40 năm Hoàng Sa nằm trong tay Trung Quốc. Họ từng bước biến quần đảo này thành căn cứ quân sự nhằm vươn bàn tay đầy tham lam xuống phía nam biển Đông, biến “đường lưỡi bò” 9 khúc mà nay là 10 chiếm 80% Biển Đông thành của họ.
PV: Thưa Chuẩn Đô đốc, năm 1988, Trung Quốc chiếm 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Được biết khi đó ông đang là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam. Chuẩn Đô đốc có thể nói rõ về diễn biến khi đó?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Xin nói rộng hơn một chút. Tình hình biên giới Việt – Trung căng thẳng và xảy ra đánh nhau từ năm 1979. Cho đến năm 1986, chúng ta chủ trương không để đụng độ với người Trung Quốc khi mà phía Trung quốc bắn hàng ngàn đạn pháo vào nước ta, cho quân thám báo xâm nhập Việt Nam. Trên Biển Đông thì họ tăng cường trinh sát các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa vào cuối năm 1986 và tăng nhịp độ hoạt động trong năm 1987.
Đảng ủy chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân nhận định: Trung Quốc hòa dịu ở phía Bắc thì sẽ đánh chiếm một số đảo, bãi đá san hô ở quần đảo Trường Sa và thực tế là tháng 2/1988 họ đã cho quân chiếm một số bãi đá san hô như Chữ Thập, Châu Viên… Gạc Ma là bãi đá san hô nằm ở phía nam đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông mà Hải quân ta cùng với Quân khu 5 đã giải phóng vào hạ tuần tháng 4/1975, nó nằm giữa quần đảo Trường Sa nên có vị trí chiến lược đối với Biển Đông. Ta chủ trương cố gắng phải đóng giữ.
Tối 13/3/1988, ta cho một bộ phận Công binh lên Gạc Ma. 6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên phía đối diện với ta. Trông thấy cờ ta đang tung bay, họ cho lính đến nhổ cờ và tuyên bố đây là đất trung Quốc, ta phải rời đi. Thiếu úy Trần Văn Phương và hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bảo vệ cờ và xảy ra xô xát giữa 2 bên là lính của Hải quân Trung Quốc đến nhổ cờ và l2 lính của ta.
Lập tức, lính của Trung Quốc phía sau xả xúng vào toàn bộ Công binh, gây nên thảm sát toàn bộ cán bộ chiến sĩ của ta trên đảo Gạc Ma. 7h30 cùng ngày, các tàu hộ vệ của Trung Quốc dùng pháo 10 li bắn chìm 2 tàu vận tải mang số hiệu 604 và 605 của ta ở gần Gạc Ma. Tàu của ta bốc cháy và bị chìm, cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh.
Cuộc đụng độ ở Gạc Ma là một vụ thảm sát quân Việt Nam của Hải quân Trung Quốc vì chưa có một cuộc đọ súng nào của Hải quân Việt Nam với Hải quân Trung Quốc, chưa có một tàu chiến nào của Việt Nam ở vùng biển Gạc Ma. Lính Trung Quốc manh động, ủy thế đông và mạnh thảm sát 64 chiến sỹ của Hải quân Việt Nam. Thực tế là không có một cuộc hải chiến nào diễn ra giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc trong tháng 3/1988. Đấy là sự việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm các đảo, bãi đá san hô của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
PV: Thưa ông, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng nhiều công trình ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Giờ đây, Trung Quốc đang xây dựng ở Gạc Ma - Châu Viên - Chữ Thập. Vậy toan tính của Trung Quốc ở đây là gì?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Độc chiếm Biển Đông, giành quyền kiểm soát trên biển và trên không ở Biển Đông là âm mưu lâu dài của các thế lực cầm quyền của Trung Quốc. Muốn độc chiếm Biển Đông, họ tạo cớ và ngụy biện chiếm các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Giành được Biển Đông rồi thì việc quyết định tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông nằm trong tay Trung Quốc. Họ đã xây dựng ở Phú Lâm – một hòn đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1956 và từ đó đến nay họ biến nơi đó thành căn cứ hải quân có sân bay theo hướng bắc – nam dài hơn 2km và xây dựng ở đó những căn cứ hậu cần cho hải quân, họ tìm cách nối dài bàn tay của hải quân xuống phía nam. Từ Hải Nam đến Hoàng Sa, Trung Quốc đã kéo dài sức mạnh hải quân của họ được khoảng 150 hải lý. Đấy là công việc mà Trung quốc từng làm ở Hoàng Sa.
Còn ở Trường Sa, sau khi chiếm 5 bãi đá ngầm thì họ liền tổ chức một cụm đóng quân. Từ những năm 1988 đến nay, họ xây dựng ít. Nhưng thời gian gần đây, vì họ không có khả năng giành và sử dụng những căn cứ chiến lược như Cam Ranh và Su Bích cho nên phải tìm cách biến những bãi đá san hô ở Trường Sa thành những căn cứ của họ. Họ đủ sức để xây dựng những Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập thành những căn cứ hải quân.
Hiện nay, Trung Quốc đang quyết tâm biến những đảo mà họ chiếm được ở Hoàng Sa và Trường Sa thành những cơ sở hải quân, đưa lực lượng hải quân ngày càng phát triển và hiện đại xuống Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nếu như hoạt động bình thường thì Hải quân của Trung Quốc có thể đi lại trên vùng công hải và muốn ra Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương cũng không sao cả, nhưng họ muốn chiếm quyền để khống chế toàn bộ Biển Đông.
PV: Thưa Chuẩn Đô đốc, chúng ta phải làm gì để chống lại âm mưu này của người Trung Quốc?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Chúng ta khẳng định Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Cho nên họ tìm mọi cách để xây dựng lực lượng hải quân, mà hải quân thì phải có căn cứ, tốt nhất là căn cứ ven bờ. Do cách hành xử của Trung Quốc nên các nước xung quanh không tạo điều kiện cho họ có được những căn cứ lớn như Cam Ranh, Su Bích hay ở phía Nam Biển Đông.
Chúng ta biết rằng, từ khi giành được đại lục Trung Quốc thì các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã xác định tham vọng trở thành một cường quốc khu vực và thế giới. Họ đã từng có những bước đi chiến lược. Ví dụ như những năm 1950 – 1960, họ đề ra sau 20 năm họ vượt nước Anh. Sau cải cách của ông Đặng Tiểu Bình, họ đi từ giấu mình chờ thời đến trỗi dậy hòa bình; rồi nay là giấc mộng Trung Hoa - sẽ quyết tâm giành lấy những vùng đất và trời, biển. Việc Trung Quốc bỏ tiền của để biến những bãi đá san hô ở Hoàng Sa và Trường Sa thành những đảo nhân tạo là trái với Công ước Luật Biển 1982, trái với Hiến chương LHQ và trái với lương tri của nhân dân Trung Quốc và thế giới.
Chúng ta phải cực lực lên án hành động đó; yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc dừng ngay việc đó lại và thực hiện cam kết giữ nguyên hiện trạng theo DOC mà họ đã cam kết với ASEAN; kêu gọi bạn bè thế giới lên tiếng lên án hành động biến các bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo của người Trung Quốc. Chúng ta mong muốn được sống, làm ăn hòa bình yên ổn trên vùng đất vùng trời của chúng ta đúng theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước 1982 về Luật Biển. Còn những bước đi tiếp theo, nếu họ chủ động gây ra các việc căng thẳng hơn thì chúng ta phải có biện pháp xử lý thích đáng hơn.
PV: Xin cảm ơn Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm./.