Trước thềm Lễ tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng
VOV.VN - Hôm nay (23/7), các đại biểu người có công trên toàn quốc đã về Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác và chuẩn bị tham dự các hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ và tuyên dương 450 đại biểu người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022.
Mỗi người mang trên mình những vết thương khác nhau, sự mất mát khác nhau nhưng đều chung một niềm vui khi được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và tự hào vì đã đóng góp máu xương, công sức của mình cho nền độc lập và sự phát triển của Tổ quốc hôm nay.
Trong số những đại biểu người có công về Thủ đô ngày 23/7, phóng viên Đài TNVN vinh dự được gặp và nghe Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài, ở thành phố Hồ Chí Minh kể về câu chuyện của mình.
Với dáng người nhỏ, gương mặt phúc hậu và nụ cười tươi, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài năm nay đã 83 tuổi nhưng trông mẹ vẫn mạnh khỏe. Mẹ kể, chồng mẹ hy sinh năm 1968 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và con trai mẹ hy sinh tại Campuchia năm 1978. Bản thân mẹ cũng từng hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho mẹ. Đây là lần thứ 4 ra Hà Nội và lần nào mẹ cũng thấy rất vui, bởi sự tiếp đón chân tình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân Thủ đô đối với người có công với cách mạng:“Tôi thấy cũng vinh dự lắm, mọi người đối đãi tử tế lắm. Trên đoạn đường đi thì ân cần chu đáo lắm, đến đây ăn ở cũng được lo đến nơi đến chốn. Nhà nước thì cũng ân cần, những người hy sinh rồi thì sự mất mát của gia đình cũng được lo cho chu đáo lắm”.
Từ quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng ra Hà Nội, ông Mai Thanh Mẫn, thương binh hạng nặng 1/4, mất hoàn toàn khả năng lao động, cả mẹ ruột và mẹ vợ đều là mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình ông có 2 anh trai và 3 anh em bên vợ hy sinh. Bản thân ông bị thương trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam, giúp giải phóng Campuchia. Không cân nhắc về những cống hiến của gia đình và bản thân, ông Mai Thanh Mẫn cho biết: “Cho đến bây giờ cuộc sống thấy đất nước cũng phát triển và Đảng nhà nước cũng lo chăm sóc cho gia đình chính sách thương binh, liệt sỹ thì thấy quá hài lòng. Dù cuộc sống của mình không cao, nhưng sống cũng tương đối, trước tiên cảm ơn Đảng nhà nước cũng quan tâm đến chăm lo cho anh em thương binh, như hôm nay được ra đây thấy là điều quá vinh dự”.
Còn thương binh Thạch Thị Lâm, đến từ Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại trong một hoàn cảnh khác. Trong lần dẫn đường cho bộ đội tới chiến trường Lào, dẫm phải mìn của địch, cô vĩnh viễn mất đi một bên chân khi vừa 21 tuổi xuân. Gửi lại tuổi xuân tươi đẹp nơi chiến trường mưa bom, bão đạn, mất hoàn toàn khả năng lao động, từ đó tới nay hơn 50 năm cô “vẫn một mình” và coi trung tâm điều dưỡng là nhà, coi đồng đội là anh em ruột thịt. Cô Thạch Thị Lâm luôn tự hào vì đã góp máu xương cho độc lập, tự do của đất nước: “Đất nước đã thống nhất được hơn 40 năm, thấy được là thay đổi của đất nước đi lên, với hy sinh của mình tôi thấy cũng nhỏ bé, so với những liệt sỹ không còn nữa, mình thấy rất nhỏ bé. Nhưng mình cũng cảm thấy tự hào vì đã góp một phần xương máu nhỏ bé đó để xây dựng đất nước.”
Các đại biểu người có công đều coi sự hy sinh, mất mát của mình là nhỏ bé trong sự hy sinh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân góp phần làm lên sự nghiệp lớn giải phóng dân tộc. Với họ, sự phát triển của đất nước hôm nay chính là thành quả ý nghĩa, là niềm vui lớn nhất sau những hy sinh của mỗi người. Nhất là với những thương binh nặng không có đủ sức khỏe để đi đó đây, hay với những bà mẹ Việt Nam anh hùng tuổi đã cao, trong chuyến về thăm Bác, thăm Thủ đô lần này được chứng kiến sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của đất nước…đều không giấu nổi niềm vui và mong muốn đất nước ngày càng giàu mạnh.
Thương binh nặng Lê Mạnh Tấn, ở Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và thương binh Trà Thanh Hải, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Hiện nay thay đổi nhiều quá, quá nhiều. Ngày xưa khi mình đi lính, đến khi về quê giờ thay đổi hầu như hoàn toàn. Được lên Hà Nội tất nhiên là vui, thấy đông người, ô tô nhiều, nhà cao.”
“Trước đây quan điểm của chúng tôi là khi đánh giặc giải phóng quê hương rồi chỉ cần chống xuồng đi dưới sông thôi là được, nhưng bây giờ xe 4 bánh vẫn chạy hết thông đường. Đây là cái thành quả chung mà mình lo được như vậy là rất tốt rồi. Đối với chúng tôi cũng có ý nguyện phải góp sức mình để làm cho xã hội ngày càng phát triển giàu đẹp hơn”.
Về Thủ đô, tham dự các hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ và tuyên dương 450 đại biểu người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022, mỗi người mang trên mình những vết thương khác nhau, sự mất mát khác nhau nhưng đều chung một niềm vui khi được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và tự hào vì đã đóng góp máu xương, công sức của mình cho nền độc lập và sự phát triển của Tổ quốc hôm nay./.