Trường Sa mùa biển lặng
(VOV) -Mùa này là mùa biển lặng, nhưng với các chiến sĩ Trường Sa, biển lúc nào cũng dậy sóng.
Biển lặng. Trong cách nghĩ của tôi chỉ là khi biển không có dông, có bão, chứ làm gì có chuyện cả một biển nước mênh mông, bốn phía chỉ có chân trời mà lại “phẳng như gương” được.
Nhưng tôi đã lầm, ra Trường Sa lần này, tôi đã tận mắt chứng kiến mặt biển không có một gợn sóng nào, “phẳng như gương”. Đúng là “tháng ba bà già đi biển”! Bỗng có ai đó reo lên ở phía mạn tàu “cá heo kìa…”. Mọi người đổ xô ra mạn. Một đàn cá heo cả chục con đua nhau nhào lộn dọc thân tàu.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn bảo, vậy là sắp có gió mùa rồi. Cá heo là một loài rất thông minh, được coi như một “nhà dự báo thời tiết”, mà lại thân thiện với con người. Cứ khi thời tiết thay đổi, cá lại nổi lên thành đàn đi theo các tàu thuyền như có ý nhắc nhở con người sắp có những biến cố của thời tiết.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn nói từng câu “chớ thấy biển lặng mà vội mừng, đừng thấy biển động mà vội lo”. Bản lĩnh của người đi biển là thế!
Đoàn công tác và các chiến sĩ ở Trường Sa |
Thành phố… Trường Sa
Mười năm trước, lần đầu tiên tôi được đặt chân lên Trường Sa, cái gì cũng mới, cũng lạ. Nay, vẫn hải trình đến các đảo phía Nam quần đảo như lần trước, tưởng chừng như đã quen thuộc, nhưng không phải vậy. Cảm xúc về sự phát triển năng động của Trường Sa đã theo tôi suốt dọc hành trình trên quần đảo thân yêu này. Tôi thật sự ấn tượng vào một buổi chiều hoàng hôn trên đảo mang tên người anh hùng của đoàn tàu không số Phan Vinh.
Đảo bắt đầu lên đèn. Phía chân trời vẫn còn những vệt sáng hắt lên. Sóng bạc đầu xô vào bãi đá với hàng cọc “Bạch Đằng” chạy dài, trộn với ánh sáng của đèn đường xếp hàng tăm tắp, tạo thành một khoảnh khắc giao hoà giữa ngày và đêm, giữa âm thanh và ánh sáng làm say lòng người. Chẳng thế mà có người bảo rằng, đó là hình ảnh của “thành phố du lịch” Trường Sa. Ở đây, mọi thứ đều tinh khiết và đẹp lạ lùng.
Tôi quả quyết rằng, ai đó, trong đời được một lần ngắm hoa bàng vuông nở, thì thật hạnh phúc. Một loài hoa đẹp quyến rũ, mà lại chỉ nở vào đêm, nồng nàn, e ấp như tình yêu của lính. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất có cái nắng “vỡ đầu” này những loài cây vô cùng quý giá như cây Tra, bàng vuông, phong ba, bão táp… Trong đó, bàng vuông là loài cây thích nghi tốt nhất với nắng gió của Trường Sa.
Ở đất liền, cây bàng thường trút sạch lá về mùa đông và đâm chồi nảy lộc khi xuân về. Bàng vuông thì lại khác. Quanh năm xanh. Mà kỳ lạ, cái màu xanh của lá, cả lá già, lá non đều có cảm giác là xanh mơn mởn, xanh ngắt, không hề có cảm giác xù xù, mốc thếch như “cây bàng lá đỏ”.
Quả thực, Trường Sa hôm nay đã thay đổi nhiều lắm. Hàng trăm cột điện gió, hàng nghìn tấm pin mặt trời phủ lên khắp các đảo. Trước đây, điện ở Trường Sa là một thứ hàng xa xỉ. Mỗi buổi tối, máy phát điện mini chỉ dám “nổ” chừng 1 đến 2 giờ vào buổi tối chủ yếu là để sinh hoạt văn hoá tinh thần và theo dõi chương trình thời sự từ đất liền.
Khi máy điện tắt, cả đảo lại chìm vào màn đêm bao la của biển cả, trùm lên một cảm giác rờn rợn giữa chốn hoang vu lại có nhiều hiểm hoạ rình rập khôn lường. Nay thì điện cả ngày lẫn đêm không chỉ đảm bảo ánh sáng mà còn sử dụng rất nhiều tiện ích khác như ti vi, tủ lạnh, điều hoà và các thiết bị thông tin, liên lạc. Công ty viễn thông quân đội Viettel đã phủ sóng di động trên toàn bộ các đảo ở Trường Sa, vì thế khoảng cách giữa đảo và đất liền được gần thêm khi mà chỉ cần alô là có thể nói chuyện được với gia đình và người thân.
Cây bàng vuông |
Cùng với những điều kiện về vật chất ngày càng được cải thiện, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cũng có những đổi thay to lớn. Các phương tiện nghe, nhìn như ti vi, radio, máy nghe nhạc bây giờ không phải là đồ quý hiếm như trước nữa. Các chiến sỹ không chỉ rèn luyện điều lệnh, đội ngũ mà chiều chiều còn sinh hoạt văn nghệ và lại còn nhảy hip hop nữa. Nhịp sống ngày càng sôi động như chính những vần thơ của lính:
Mai đây, các làng đảo Trường Sa
Sẽ dập dìu thuyền về bến bãi
Sẽ tập nập những chuyến tàu du lịch
Sân bay, bến cảng đang hiện hữu…
Một thành phố Trường Sa.
Đất có thổ công…
Từ nhiều đời nay, Trường Sa, Hoàng Sa là những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt. Nói là ngư trường truyền thống là bởi sự hiện diện thường xuyên và liên tục của ngư dân tại các vùng biển này.
Giữa biển cả mịt mùng là thế mà ngư dân chỉ cần “ngửi nước biển” là đã biết ngay đó là vùng biển nào. Một cách nói ngẫu hứng, nhưng cũng hoàn toàn có cơ sở bởi những dấu mốc trên biển do chính ngư dân tạo ra thì không thể nào nhầm được. Đó là những tàu, thuyền bị mắc cạn tại các bãi đá chìm, trong đó có không ít các tàu thuyền cũ mà ngư dân chủ động đánh đắm để cắm mốc khẳng định khu vực quản lý, khai thác của mình.
Mỗi chiếc tàu cá đánh đắm từ xa xưa, nay vẫn sờ sờ nằm đó, như những cột mốc chủ quyền không thể tranh cãi. Ở trên đất liền, ngày xưa đất còn hoang hoá nhiều, người dân đi khai hoang chỉ cần trổ một bụi tre, khóm duối thế là thành phần đất của mình, chẳng cần sổ đỏ, sổ hồng gì mà ai cũng phải công nhận là phần đất đã có chủ. Ai vào khu vực đó hái quả, chặt cây thì đều được coi là hành vi ăn cắp.
Câu chuyện về bờ cõi, chủ quyền lãnh hải của ngư dân ta cũng chẳng khác gì như trên đất liền vậy. Chẳng thế mà khi ngư dân của chúng ta đến đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tàu cá của ngư dân các nước có mon men đến, khi thấy tầu cá của ta có mặt ở đó rồi, thì họ cũng tự nguyện rút lui. Nước có “phép”, làng có “lệ” mà. Đó là cách ứng xử văn hoá của những ai gắn bó cả cuộc đời mình với biển. Họ tôn trọng ngư trường truyền thống của nhau, tôn trọng những dấu mốc, tôn trọng công lao của những người đi trước để lại.
Trường Sa mùa biển lặng |
“Đất có thổ công, sông có hà bá” là thế. Vì vậy, với ngư dân, ngư trường truyền thống này vĩnh viễn là của ta, cho dù phải hy sinh xương máu. Đó là lời nguyền truyền kiếp của ngư dân Việt.
Không phải ai cũng có thể hiểu hết được về cội nguồn, gốc tích của Trường Sa, Hoàng Sa. Cũng có người chưa biết thềm lục địa của chúng ta chính là “bàn chân” của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Chẳng thế mà nhà báo Uông Ngọc Dậu trong chuyến đi công tác lần này có thơ rằng:
“… Mạch Trường Sơn chạy suốt biển Đông,
Lặn vào sóng nâng đảo chìm, đảo nổi,
Thềm lục địa mạch đại ngàn tụ hội,
Dáng kơ- nia soi bóng dáng bàng vuông”…
Hôm đến nhà dàn DK1, chúng tôi nhớ lại câu nói của thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn “chớ thấy biển lặng mà vội mừng”, quả thấy đúng. Sóng gió to đến mức mà xuồng không thể tiếp cận được, đành phải chuyển quà qua một tàu khác đang neo ở đó. Và một buổi biểu diễn văn nghệ đã diễn ra ngay trên ca bin của tàu HQ 996. Ấn tượng và xúc động. Khán giả không nhìn thấy mặt diễn viên mà chỉ nghe giọng hát nghẹn ngào qua…máy bộ đàm… “Anh xa em, trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ, biển vẫn thấy mình dài rộng thế, xa cánh buồm một chút đã cô đơn”…
Tạm biệt các anh, những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Mùa này là mùa biển lặng, nhưng với các anh, biển lúc nào cũng dậy sóng vì còn đó những thế lực lăm le xâm phạm chủ quyền và biển lúc nào cũng cồn cào như chính tình yêu của lính đảo với người con gái ở đất liền, lúc chia tay chưa kịp nói lời hò hẹn./.