Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ động vật hoang dã
VOV.VN - Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những yêu cầu về mặt pháp lý thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong bảo vệ động vật hoang dã
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Giải pháp truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án Chương trình động vật hoang dã châu Á tại Việt Nam, được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Theo báo cáo tại Hội thảo, tốc độ suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra chưa từng có trong lịch sử. 1 triệu loài ĐTVHD trong tổng số 8 triệu loài trên thế giới đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Trên thế giới có khoảng 7.000 loài ĐTVHD bị buôn bán trên toàn thế giới khiến ĐTVHD bị suy giảm tới 67% trong năm 2020. 229 tấn ngà voi (2000-2016), 4.757 sừng tê giác (2016-2017) bị buôn bán bất hợp pháp; thế giới đã chịu tổn thất hơn 250 tỷ USD do thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên (2014-2016).
71% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ ĐVHD (Ebola, MERS) bị vận chuyển khiến 11.310 người tử vong do đại dịch Ebola ở Guinea, Liberia, Sierra Leone (2014-2015).
Tại Việt Nam, theo báo cáo quốc gia lần thứ 6, Việt Nam hiện có khoảng 51.4000 loài sinh vật được xác định, trong đó nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như sao la, cheo leo lưng bạc, hổ, báo, hươu sao,… Tuy nhiên số loài và số cá thể loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà suy giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý hiếm nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao.
Thiên nhiên Việt Nam bị tàn phá nhiều nhất và có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng nhất; 407 loài động vật hoang vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng. Kể từ năm 2015 đến nay, các ngành chức năng của Việt Nam tịch thu 36.941kg ngà voi, 723,18 kg sừng tê giác và 37.084kg tê tê. Cùng cùng nhiều mẫu vật san hô đen, rùa sống, rắn ráo, xương hổ, vỏ trai tai tượng, gỗ các loài,…
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Xuân Dũng – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân dẫn tới suy giảm ĐTVHD do áp lực khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh sống bị thu hẹp, chuyển đổi diện tích rừng để phát triển kinh tế - xã hội,...
Theo ông Dũng, nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã như làm thực phẩm, ngâm rượu, thuốc đông y, thú cảnh, trang trí và làm món ăn đặc sản,… thể hiện đẳng cấp nào đó của một số người đã thúc đẩy hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Ngoài ra còn có nguyên nhân do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước thải chưa được xử lý cũng ảnh hưởng đến những loài thủy sinh,…
“Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ động vật hoang dã, chống nạn buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia; Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo tồn loài hoang dã; Xây dựng và triển khai các chương trình và mô hình về bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm; Bảo tồn loài gắn với hoạt động thành lập và quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; Thực thi pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã; Truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài hoang dã”, ông Dũng nêu ra giải pháp.
Ông ADLEY BESSIRE – Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, việc hợp tác giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ động vật hoang dã.
“Để bảo vệ ĐTVHD, ngoài những yêu cầu về mặt pháp lý thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Sắp tới chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ thêm ngân sách cho truyền thông trong bảo vệ ĐTVHD. Hy vọng tại Việt Nam công tác truyền thông được đẩy mạnh hơn nữa giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân”, ông ADLEY BESSIRE cho hay.
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu sống của chính chúng ta, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tôn vinh giá trị văn hoá và giá trị con người Việt Nam./.