Truyền thông-sự lựa chọn thông minh của công chúng
VOV.VN -“Lợi dụng” và tận dụng truyền thông với công chúng là một sự “thông minh”, đang trở thành lựa chọn số một trên toàn thế giới.
Hiện nay, truyền thông đang phát triển rất mạnh mẽ tác động tích cực tới hoạt động giao lưu văn hóa. Đó cũng là việc đáp ứng nhu cầu của xã hội trong quá trình tiếp nhận tinh hoa văn hoá thế giới làm phong phú văn hoá dân tộc, quốc gia mình.
Phát triển chóng mặt
Cuộc cách mạng thông tin hiện nay có thể gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, dựa trên những tiến bộ nhanh chóng về khoa học công nghệ trong lĩnh vực máy tính, truyền thông và phần mềm. Những tiến bộ này dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ về chi phí cho việc sáng tạo, xử lý thông tin. Trong vòng 30 năm trở lại đây, cứ 18 tháng một, khả năng tính toán lại tăng lên gấp đôi, và vào những năm đầu của thế kỷ XXI ước tính chi phí bằng một phần nghìn so với thời điểm đầu những năm 1970.
Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, truyền thông đại chúng, bao gồm truyền thanh, phim, báo in, nhạc thu âm, truyền hình đã trở thành những tác nhân quan trọng đối với xã hội hóa, đặc biệt là truyền hình. Hệ thống truyền thông đại chúng đã tham gia thực sự tích cực vào việc quảng bá các phong cách sống phù hợp với những chuẩn mực xã hội, những khuôn mẫu hành vi.
Hàng tỷ khán giả khắp các châu lục ngồi trước máy thu hình, họ theo dõi những diễn biến tại World Cup 2010. Chỉ cần ấn nút điều khiển, họ nhập ngay vào sự hứng khởi chẳng kém gì những người có mặt trên sân Nelson Mandela Bay, nơi trái bóng Jabulani đang lăn trong tiếng kèn vuvuzela. Cái gì tạo nên sự hấp dẫn đó: chính là kỹ thuật điện tử đã mang tới khả năng liên kết công chúng của các phương tiện truyền thông đại chúng trên các phạm vi rộng lớn. Sự liên kết này vượt khỏi các biên giới quốc gia, các rào cản ngôn ngữ, các bức tường lửa tạo nên tương tác.
Như vậy truyền thông đại chúng phát triển như vũ bão đáp ứng nhu cầu văn hoá của con người.
Lựa chọn số 1
Trong giao tiếp đại chúng, mối quan hệ giữa công chúng với tivi, radio, báo viết, báo điện tử được thực hiện bằng các tương tác gián tiếp thông qua sự trao đổi và tác động lẫn nhau. Hiện nay, công nghệ thông tin đã rút ngắn khoảng cách giữa người truyền và người nhận, song về cơ bản kênh truyền này vẫn được thực hiện bằng cơ chế giao tiếp gián tiếp. Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam, chúng ta phải chi mất khoảng hơn 300.000 USD để có đoạn quảng cáo 15 giây trên CNN. Có nghĩa là truyền thông giúp tăng người nước ngoài tìm hiểu Việt Nam, thu hút họ đến Việt Nam bằng hình ảnh quảng cáo.
Điều gì đã chi phối sự khác biệt của các bộ phận công chúng trong giao tiếp đại chúng? Có nhiều yếu tố, trong đó văn hóa giữ vai trò nổi bật. Có thể giải thích điều này như sau: các nhà thống kê thường căn cứ vào việc tăng số đầu máy thu hình và máy phát hình ở các gia đình, rồi lấy đó để nhận định rằng đời sống văn hóa của người dân tăng lên. Nhận xét ấy chỉ đúng một phần, đúng ở sự phát triển của điều kiện sống, trong đó có điều kiện tiếp nhận văn hóa nói chung và tiếp nhận văn hóa đại chúng nói riêng. Điều quan trọng hơn, là cần quan sát xem người ta sử dụng các thiết bị kỹ thuật này vào việc gì? Nếu để xem các bộ phim bạo lực với các cảnh chém giết thì ý nghĩa của nó rất khác với việc sử dụng các phương tiện ấy để thưởng thức âm nhạc cổ điển hay tiếp thu học vấn bằng các chương trình giáo dục từ xa được thực hiện bởi kênh truyền hình. Sự khác biệt có nguyên nhân từ văn hóa và nhu cầu của sự thấu hiểu.
Nói theo cách của M.Weber - đây là “loại hình hành động định hướng mục tiêu hợp lý (rational goal - oriented action), trong đó mục tiêu và phương tiện được lựa chọn một cách hợp lý”. Chính vì thế, để theo dõi chương trình ca nhạc, người ta chọn kênh truyền hình, còn để tìm hiểu sâu một vấn đề nào đó trên cơ sở phân tích, so sánh, lại có khả năng lưu trữ thì người ta tìm đến báo in hoặc các tạp chí in. Điều này cho thấy sự liên kết ở tính ba mặt của giao tiếp trong truyền thông đại chúng: đó là mặt tương tác, mặt thông tin và mặt nhận thức.
Báo chí là món ăn không thể thiếu của mỗi người
Tính đặc thù của quá trình này thể hiện ở chỗ nhận thức giữa các nhóm công chúng có thể xuất hiện mà không có sự tương tác trực tiếp của các thành viên trong nhóm với các nhà truyền thông. Bù lại nhược điểm ấy, các phương tiện truyền thông đại chúng lại có khả năng truyền đạt các thông điệp qua nhiều kênh tới các bộ phận công chúng rộng lớn mà cơ chế giao tiếp trực tiếp, xuất hiện trước đó, trước khi có kỹ thuật in với khả năng nhân ra nhiều bản cùng một nội dung, để phát không hay để bán chưa có được. Ưu thế này càng được nhân rộng với sự xuất hiện của Internet. Internet đã tạo nên sự cuốn hút rộng rãi đối với công chúng của các phương tiện truyền thông đại chúng vào xa lộ thông tin quốc tế. Nó là phương tiện đi đầu trong việc kết nối các mảnh ghép phân tán của mái nhà chung quốc tế.
Ở Việt Nam, do sự phát triển có tính bùng nổ của thông tin cộng với sự sôi nổi của các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước, quyền lợi của mọi người được mở trong sự tiếp nhận cái hay cái đẹp, thậm chí cái dở trong văn hóa. Truyền thông có nhiệm vụ tuyên truyền nhưng phải định hướng để hành vi của mỗi người hướng tới được Chân - Thiện - Mĩ. Truyền thông ngày nay, tuy vậy, đôi khi cũng “dễ dãi” tùy cho người tiếp nhận thông tin thế nào? Do vậy, đôi khi sự tiếp nhận Chân - Thiện - Mĩ từ sự ảnh hưởng của nền văn hóa khác bị hỗn loạn và rơi vào vòng xoáy khó kiểm soát.
Điều chúng ta có thể nói thêm xu hướng dùng “sức mạnh mềm” thông qua truyền thông là yếu tố quan trọng để nhiều nhân vật trở thành “đệ nhất phu nhân” của nhiều cường quốc trên thế giới. Điển hình là Michelle Obama - Phu nhân Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử. Bà được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông ngay từ khi Barack Obama mới bắt đầu chiến dịch tranh cử, và từ đó vẫn luôn là tâm điểm chú ý của báo giới. Nhìn chung, Michelle Obama là sự tổng hợp giữa hai người tiền nhiệm của mình - Hillary Clinton và Laura Bush - rất được nước Mỹ hoan nghênh.
Bà được coi là "người quyết định" với lối thuyết phục cử tri tài tình. Michelle biết cách lờ đi những lời chỉ trích sai lầm, và làm theo những lời khuyên đúng đắn về phong cách trước công chúng. Hình ảnh của bà càng ngày càng được đánh bóng hơn, như từ bỏ lối ăn mặc toàn hàng hiệu và giọng điệu thách thức người nghe. Tất nhiên, cùng với sự thay đổi, tỉ lệ ủng hộ bà đã lên 55%.
Michelle nhanh chóng trở thành một phần của văn hóa Mỹ cùng sự đi lên trong chính trường của Obama. Báo chí và truyền thông đua nhau ca tụng bà, từ "25 phụ nữ gợi cảm hứng nhất thế giới", "100 cựu sinh viên Havard", cho đến "10 người mặc đẹp nhất thế giới". Nhưng không giống như Hillary Clinton, với ảnh hưởng lớn của mình, Michelle khẳng định mình "không hề có sự hứng thú nào với chính trị" (phỏng vấn trên chương trình truyền hình "The View") và bà chỉ muốn tham gia vào những công việc mang lợi ích cho cộng đồng miễn không liên quan đến bầu cử.
Rõ ràng xu hướng "lợi dụng và tận dụng truyền thông" tạo sức ảnh hưởng của mình, của một quốc gia dân tộc nào đó ra bên ngoài, với công chúng là một sự “thông minh” đang trở thành lựa chọn số một trên toàn thế giới./.