Tự chủ để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
VOV.VN - Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên thành phố Hạ Long, (tỉnh Quảng Ninh) quyết định cho 43/68 trường mầm non và THCS công lập thực hiện tự chủ các nội dung về tổ chức bộ máy, nhân sự và một phần tài chính. Giải pháp này nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trên cả nước.
Trường THCS Trọng Điểm, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long là trường công lập "hot" nhất và là trường cấp 2 duy nhất tại Hạ Long được tổ chức thi tuyển đầu vào, lựa chọn học sinh ở tất cả phường, xã của thành phố. Bà Đàm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trọng Điểm, thành phố Hạ Long chia sẻ: Với chất lượng đào tạo tốt nên trường THCS Trọng Điểm có tỷ lệ học sinh đăng ký nhập học cao, mỗi năm tăng cơ học 1 lớp. Đây là lợi thế để nhà trường mạnh dạn tự chủ 37% chi thường xuyên. "Năm học 2023, chúng tôi tự chủ 37%, tương ứng với 25 người hưởng lương từ nguồn sự nghiệp, chỉ còn 48 người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước. Với việc tự chủ này, chúng tôi sẽ được chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Hiện trường được giao 60 biên chế, với 38 lớp năm học 2023 -2024. Định mức giáo viên trên lớp mới đạt tỷ lệ 1,34 theo định biên quy định của Bộ Giáo dục là 1,9. Hiện tại trường đang thiếu cả cán bộ quản lý, 12 giáo viên và 2 nhân viên"- bà Thanh Tâm nói.
Nhiều năm nay, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục Quảng Ninh đã kết hợp nhiều phương án như tăng cường giáo viên ở cấp học trên xuống dạy ở cấp học dưới, bố trí giáo viên dạy liên trường trong cùng một địa bàn... Và phương án tự chủ kinh phí chi thường xuyên cũng giúp các trường chủ động tuyển dụng số lượng giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Bà Đào Thu Thảo, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Lan, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long bày tỏ: "Theo thông tư 06, chúng tôi được giao tổng số 28 người trong đó 22 người hưởng lương từ ngân sách; còn 6 người hưởng lương ngoài ngân sách, phần này chúng tôi tự chủ. Tập thể cán bộ, giáo viên cũng đã nắm được tinh thần của đề án và rất quyết tâm trong công tác tuyển sinh, cũng như chăm sóc, giáo dục nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong nhà trường."
43 trường mầm non và THCS trên địa bàn thành phố Hạ Long sẽ tự chủ từng phần (thấp nhất là 10%, cao nhất là 37%), nguồn thu tự chủ chính là học phí theo quy định hiện hành. Theo đề án, sẽ có 508 người làm việc hưởng lương từ ngân sách tự chủ, giảm 188 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 -2026 của thành phố Hạ Long.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó trưởng Phòng Nội vụ thành phố Hạ Long cho biết, Thành phố xây dựng nguyên tắc chung tự chủ theo các quy định, thông tư hướng dẫn của pháp luật. Trên cơ sở đó, các trường học sẽ xây dựng đề án riêng phù hợp với thực tế của địa phương, nhu cầu của phụ huynh, học sinh trên tinh thần đảm bảo công khai, minh bạch và hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng dạy và học.
"Mục tiêu cuối cùng là động lực nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Thực hiện tự chủ số người làm việc trong các trường sẽ không giảm đi, mà tăng lên tùy vào nhu cầu của nhà trường nhưng giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, Quảng Ninh vẫn hỗ trợ học phí từ mầm non tới các cấp THPT đây vẫn là thuận lợi cho các trường. Khi không còn hỗ trợ của tỉnh thì một số trường ở vùng ven của thành phố sẽ có những khó khăn nhất định"- bà Tâm nói.
Hiện nay, riêng thành phố Hạ Long thiếu trên 300 giáo viên các cấp học Mầm non và THCS. Trước năm học mới này, thành phố Hạ Long phấn đấu ký được hợp đồng, tuyển dụng khoảng một nửa cán bộ, giáo viên để đảm bảo việc dạy và học chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tùy vào thực tế, các trường có thể tăng tỷ lệ kinh phí hoạt động từ nguồn tự chủ, giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo số người làm việc trong các cơ sở giáo dục, từng bước hoàn thành các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra.