“Bản sắc” của người Hà Nội
Hạ tầng giao thông của Thủ đô quá yếu ớt và dễ bị tổn thương. Khi nhìn mặt người Hà Nội hôm nay, bỗng dưng tôi tìm ra được cái gọi là bản sắc.
Hà Nội ngày 25/7/2009
Gửi mẹ cái Mùa.
Hà Nội lại lụt mất rồi mẹ nó ơi! Hôm nay, với tôi, và với dân xe ôm ở Hà Nội nói chung, là một ngày mỏi mệt. Mệt vì loanh quanh, mệt vì đường ngập, và tắc. Nhưng mệt thì mệt, tôi vẫn phải viết thư cho mẹ nó để kể về cái nỗi phố phường tổn thương.
Có thể mẹ nó chưa quen, nhưng cái từ “tổn thương” đang là thời thượng ở xóm trọ ngoại ô của tôi. Đầu tiên là bác giáo Bình. Mỗi khi Nhà nước tăng giá xăng, giá điện, mỗi khi thành phố có thêm một lệnh cấm, thậm chí mỗi khi mức lương cơ bản sắp sửa tăng… ấy là mỗi khi bác giáo Bình nói đến sự tổn thương. Cái xóm trọ ngoại ô rất dễ bị tổn thương vì đa phần cư dân là người nghèo, người lao động nhập cư. Tôi không biết trước khi tăng giá các mặt hàng thiết yếu, khi thay đổi chính sách… người ta đánh giá tác động ở những đâu, và kết quả thế nào… nhưng bao giờ ở xóm trọ này cuộc sống của chúng tôi cũng xáo động vì những thay đổi ấy. Mẹ nó bình tĩnh nhé! Tôi không tranh thủ kể khổ đâu. Thư này, tôi muốn kể với mẹ nó về cái sự tổn thương vì lụt lội của cả thành phố, không riêng gì xóm trọ ngoại ô.
Người dân Hà Nội bây giờ cũng phải quen với ngập lụt! (Ảnh:Ngọc Thành) |
Mẹ nó chắc chưa quên trận lụt cuối mùa thu năm ngoái ở trên này. Hồi đó, tôi cũng có biên thư kể lại. Lần này, mưa không dữ đến thế, chỉ có hơn trăm milimét thôi. Lần này các cơ quan cũng chẳng hề bất ngờ. Thế nhưng Hà Nội vẫn tổn thương. Người dân ra đường vẫn giật mình, hỗn loạn. Như tôi đây, cả tuần qua có ông khách bị gãy chân thuê bao chở đi làm từ phố Lương Thế Vinh (cách Hồ Gươm 10 cây số về hướng Tây Nam). Như thường lệ, 6 giờ sáng tôi đón ông ấy. Trời mưa to, vẫn nghĩ sẽ có chỗ đường ngập tạm thời, vậy mà cả tôi, cả ông khách đều ngỡ ngàng khi đi ra đến đường lớn thì nước đã ngập tràn.
Ông khách lấy điện thoại, mở đài FM đút cái tai nghe vào tai tôi để nghe Kênh giao thông. Cũng vừa lúc cái anh phát thanh viên Trang Công Tiến đang ồm ồm thông báo đoạn đường tôi đang đi vào ùn tắc và ngập nước. Nghe anh ấy khuyến cáo tìm một lộ trình khác, tôi rẽ. Đi được một đoạn, cái đường tôi vừa rẽ vào, cái anh Tiến ồm ồm ấy lại bảo không đi được, hãy tìm lộ trình khác. Lại tìm, lại nghe thông báo đường tắc, và ngập. Chẳng biết phải thế nào, tôi gạt chân chống ngửa mặt nhìn trời mưa. Ông khách giật cái tai nghe, chừng năm phút sau quay sang tôi, bảo: Tìm một quán cà phê, chị phát thanh viên tên Ngọc Anh vừa thông báo “các bạn nên ở nhà chờ nước rút, đường thông!”
Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được một quán cà phê còn bàn trống, sáng nay các quán đều đắt hàng vì nhiều người mắc kẹt. Quán toàn khách hàng mặc áo mưa, mặt mày ai nấy đều căng thẳng vì muộn giờ làm. Trên quầy bar, cái đài vẫn là giọng anh Công Tiến với chị Ngọc Anh “đường X tắc, đường Y ngập, các bạn nên tìm lộ trình thích hợp hơn…” rồi “đường T ngập, đường Z tắc, các bạn nên cân nhắc…” Cả quán nhìn nhau, nhìn ly cà phê đã gần cạn, cân nhắc rồi bàn nọ nối bàn kia cất tiếng: “Ông chủ, cho xin ấm trà mạn”.
Mẹ cái Mùa biết không? Hạ tầng giao thông của Thủ đô quá yếu ớt và dễ bị tổn thương. Khi nhìn mặt người Hà Nội hôm nay, bỗng dưng tôi tìm ra được cái gọi là bản sắc. Trời mưa, mặt họ rất giống nhau khi nhìn ra đường phố, tất cả đều bế tắc, chán chường. Tôi cá là sáng nay, ngay cả hai anh chị hướng dẫn giao thông của nhà Đài, trong phòng thu cái mặt của họ cũng đầy sự bế tắc!./.