Bệnh gian vặt

Đem cái gian vặt của dân gian vào lĩnh vực học thuật thì nó là tội ác.

Hà Nội ngày 25 tháng 6 năm 2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Người thành phố có lẽ không thích thơ như dân quê chúng mình. Chẳng có ông chồng nào buổi tối vác chõng tre ra hiên nhà ngâm thơ cho vợ nghe, giống như hồi ở quê tôi vẫn thường làm thế với mẹ nó. Tôi ít khi thấy dân thị thành đọc thơ, hình như thơ chủ yếu được đọc ở quán bia khi trong lòng đã có tí men. Thế nhưng, mấy hôm nay, thơ được người ta chú ý nhiều vì trở thành “tang vật” của một vụ… ăn cắp.

Hai người bị ăn cắp thơ đều là những cây đa, cây đề của làng văn, mẹ nó ạ! Đúng là kẻ trộm chẳng tha ai. Một ông là Hữu Thỉnh, vợ chồng mình đều đã quen tên. Bọn lính tráng thời chống Mỹ chúng tôi thì càng thuộc. Ông còn lại là Lò Ngân Sủn, ông này thì mẹ nó chắc không biết, nhưng thơ ông ấy thì tôi đọc nhiều rồi, thậm chí còn thích hơn cả thơ ông Hữu Thỉnh. Xe ôm như tôi còn biết thơ của những ông này thì có lẽ chẳng mấy người là không biết. Thế mà người ta vẫn dám lấy cắp mới lạ chứ!

Mà kẻ trộm chẳng ở đâu xa, một người đàn bà, là hội viên Hội Nhà văn đàng hoàng, lại còn công tác ở cái hội ấy nữa chứ. Bà ấy ăn cắp 4 bài thơ hay nhất của hai ông kia để làm hành trang đăng ký dự một ngày hội thơ quốc tế ở Đài Loan. Rồi bà ấy đến đó đọc thơ, người ta vỗ tay ầm ầm, rồi người ta dịch, người ta in, rồi tên bà ấy nổi như cồn ở nước ngoài với tư cách là một nhà thơ lớn. Một người hâm mộ giới thiệu mấy bài thơ ấy trên nhật ký điện tử và tạo nên một cơn sốt hâm mộ thơ Việt Nam. Lúc ấy báo chí ở mình mới biết chuyện. Mới vội vàng tìm tác giả để ngợi khen theo. Nhưng khi đọc thơ, thấy quen quen, người ta mới vỡ nhẽ.

Mẹ nó à, hồi ở quê, cũng có đôi lần tôi đọc thơ, mẹ nó thích, hỏi, tôi bảo “thơ tôi đấy, thích không!” mẹ nó lại đỏ mặt “thích!” Nói thật, đó là thơ người khác, tôi vô tình đọc được, và nhớ. Có điều mỗi khi “thích” xong rồi thì tôi chẳng còn nhớ là phải đính chính. Nhớ lại chuyện đấy, tôi phần nào cảm thông với người đàn bà ấy.

Có lẽ do thích thơ của các ông kia, ban đầu là muốn giới thiệu ra nước ngoài, sau, thấy người ta khen thì “thích” quá mà quên. Cái kiểu quên ấy, nói thật khó cưỡng lắm mẹ nó ạ! Con người, ai mà chẳng háo danh, chẳng thế mà chẳng mấy khi báo chí lại vắng những cái tin về chuyện đạo nhạc, đạo văn, đạo cả công trình nghiên cứu của người khác.

Tôi chia sẻ với bác giáo Bình cái ý kiến đó, bác ấy cười “chú nói phải, bệnh gian vặt là một trong những thói quen thâm căn cố đế trong xã hội của chúng ta rồi. Có điều, đem cái gian vặt của người nông dân vào lĩnh vực học thuật thì nó là tội ác. Anh là người có học, có văn hoá, có tầm ảnh hưởng tới xã hội mà còn ăn cắp tác phẩm của người khác, chuyện ấy mà cho là bình thường, là thói quen dân gian, rồi chép miệng mà lờ đi… bảo sao bọn trẻ con nó không cho việc quay cóp chỉ là chuyện nhỏ?”.

Lần này thì tôi buộc phải đồng ý cả hai tay với bác giáo Bình, bé quay cóp, lớn cầm nhầm, có gì mà ngạc nhiên. Tôi rút kinh nghiệm, lần sau nếu đọc thơ cho mẹ nó nghe, nếu không muốn nói tên tác giả, chắc chắn tôi sẽ bảo là thơ khuyết danh chứ không “thơ tôi đó, thích không!” nữa. Hy vọng mẹ nó vẫn thích, nhỉ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên