Bức xúc chuyện trùng tu di tích
Gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử là gìn giữ tâm hồn của cộng đồng chứ không phải là đổ tiền vào các dự án xây dựng để rồi mất thời gian bàn cãi.
Ngày 18/4/2009
Gửi mẹ cái Mùa.
Tôi đã nhận được hồi âm của mẹ nó về mấy “dự án” làm giàu. Đọc thư, tôi cũng hình dung ra nụ cười hiền hậu của mẹ nó: “Bố cái Mùa lại nhớ quê rồi, đâm mơ mộng”. Thì đúng là vậy, chỉ mẹ nó là người hiểu tôi.
Cái sự nhớ quê của tôi không phải bỗng dưng mà đến. Dạo này, bác giáo Bình có mấy mối khách quen thường kêu chở đi lễ lạt. Mỗi lần đi về, bác ấy lại thở dài thườn thượt, kể chuyện những đền, những chùa được sửa chữa trùng tu mà chẳng còn giữ được chút hồn cốt nào. Bác ấy bảo: “Trùng tu như thế chẳng bằng phá hoại!” - Đất khách quê người, anh em tôi thân thiết quá người nhà, thấy tâm trạng của bác ấy như thế, tôi cũng muốn chia sẻ. Song, về cái lĩnh vực văn hóa này, kiến thức của tôi một khiếu cũng chẳng thông, biết phải nói gì?
Hôm qua, bác giáo Bình mang về mấy tờ báo viết chuyện người ta phá đền thờ bà Lý Chiêu Hoàng để xây mới. Chờ tôi đọc xong, bác ấy than: “Mượn việc trùng tu để kiếm ăn, nhẫn tâm phá nát cả một di tích có lịch sử gần ngàn năm. Quá thể!” - Tôi biết, không chỉ riêng bác giáo Bình, bất cứ ai có lòng trân trọng lịch sử cũng sẽ đau xót vì việc này. Song, hình như giống như bác giáo Bình, các nhà văn hóa đang lên tiếng bày tỏ sự bức xúc xung quanh chuyện trùng tu đều mới chỉ quan tâm tới phần ngọn của vấn đề. Đó là phương pháp, là quan điểm trùng tu di tích.
Tôi chỉ là một anh nông dân, đương nhiên không đủ lý luận để bàn về việc đó. Tôi chỉ bằng quan sát thực tế của mình mà hiểu rằng hình hài vốn dĩ không phải điều quan trọng nhất tạo nên sức sống, sự trường tồn của một di tích văn hóa lịch sử. Cái đình làng mình ấy, trải qua mấy trăm năm mà vẫn còn nguyên vẹn là bởi được người dân giữ gìn. Một tấm bằng chứng nhận di tích cũng không có, nhưng có cần đâu. Chẳng tấm giấy chứng nhận nào bằng được tâm ý muốn gìn giữ di sản của cha ông của người dân. Ngôi đình làng mình cũng chưa bao giờ nhận được một đồng tiền ngân sách trùng tu. Nhưng bao đời nay, mỗi khi có việc, dân làng mình vẫn kẻ góp công, người góp của để tu tạo ngôi đình bởi họ tự hào về truyền thống lịch sử của làng, tự hào về vẻ đẹp của ngôi đền.
Làng mình nghèo, làm gì có trăm tỷ, chục tỷ để trùng tu, thế mà từ mảnh tường vá lại đến viên gạch lối đi mưa gió xói mòn vẫn khiến tôi mỗi khi bước tới lại xao xuyến trong lòng. Nghe tôi nói về ngôi đình làng mình, bác giáo Bình trầm ngâm: “Có lẽ chú nói đúng, chẳng có một dự án trùng tu di tích văn hóa nào thành công nếu như không gìn giữ được tình yêu trong trái tim của người dân về truyền thống văn hóa của cha ông. Gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử là gìn giữ tâm hồn của cộng đồng chứ không phải là đổ tiền vào các dự án xây dựng để rồi mất thời gian bàn cãi.
Ngẫm cho cùng, chẳng có nhà văn hóa nào hiểu rõ một công trình bằng chính những người dân mà các thế hệ cha ông họ đã gia công gìn giữ công trình đó qua mọi biến cố của thời gian!” - Tôi ngồi nghe, thầm phục bác giáo Bình vì đã nói lên được cái suy nghĩ của tôi một cách minh bạch như thế. Song, sau chuyện này, trong mắt bác giáo Bình, cái tầm văn hóa của Cả Chiêm tôi chắc cũng không đơn giản. Mẹ cái Mùa có công nhận là tôi cũng đáng nể không?./.