Cái sự xuề xòa
Một người xuề xòa cho xong việc, người khác xuề xòa theo, cả xã hội xuề xòa… Tôi nghiêm túc, người khác thấy tôi đúng, nghiêm túc theo, biết đâu tạo được một thói quen tốt cho cuộc đời
Hà Nội ngày 07 tháng 05 năm 2009
Gửi mẹ cái Mùa
Hôm nay tôi được bác giáo Bình mời đi uống cà phê. Chắc để tôi hiểu rằng bác ấy vẫn áy náy về cái vụ đả kích nông dân.
Quán vỉa hè, đang giờ hành chính mà đông lắm! Người Hà Nội có thói quen ngồi làm việc, chắc là thế, ở quán cà phê. Tôi với bác giáo Bình cũng ngồi từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa.
Trông bác ấy, chẳng ai bảo là gã xe ôm. Quần âu rất phẳng, áo kẻ, tóc hoa râm, bác ấy gọi cà phê đen, chậm rãi lắc cái cốc cho đến khi viên đá to trong lòng cốc tròn xoe và cà phê ánh lên màu hổ phách, mới uống. Trông sành điệu vô cùng, và tôi, bỗng dưng cũng quên mình lên phố để thoát nghèo.
Cảm giác ấy không kéo dài bao lâu thì bị phá vỡ bởi những người ăn xin. Mấy phút lại có một người. Người thứ nhất đến, bác giáo Bình đang kể chuyện thời còn là sinh viên sư phạm, cùng tham gia vác đất xây con đường Thanh Niên, bác ấy khẽ giơ bàn tay lên trước mặt, đẩy ra phía trước. Người ăn xin đó là một bà lão, thấy vậy bước đi. Người thứ hai đến, là một người đàn ông, bác giáo Bình đang mơ màng nhớ lại mối tình đầu với một cô gái người Hà Nội, bác ấy lại giơ tay, lần này thì xua xua mấy cái. Người thứ ba đến, lần này là một cô bé gái. Bác ấy ngừng câu chuyện, nhìn cô bé, lắc đầu. Con bé cúi mặt, nhưng không bỏ đi, cứ đứng đó, chìa bàn tay nhỏ bé về phía trước. Tôi thấy không đành lòng, rút túi lấy ra một ngàn đồng bỏ vào bàn tay đó.
Con bé đi rồi, ly cà phê của tôi cũng nhạt. Vẻ mặt bác giáo Bình cũng hết rồi sự mơ màng. Bác ấy trở lại là ông giáo già khó tính, ưa lý sự, đáng ghét như mọi khi. Hơi nghiêng cái mặt khó đăm đăm, bác ấy bảo: “Nói chú đừng giận, cái anh nông dân ấy mà, chết vì cái sự xuề xòa.” – Tôi biết ý nên không giận, chỉ chống chế: “Đáng là bao, cho để nó đi, đỡ phiền”.
Bác giáo vỗ tay cái đét: “Thì đấy, chính cái sự “cho đỡ phiền” mới là bệnh. Để đỡ mất công vứt cái cuống vé, anh lái xe tiếp tay cho những người thu phí đường quay vòng vé. Để đỡ bị làm phiền, chú khuyến khích những người ăn xin tiếp tục sống mà không lao động. Để giải quyết công việc nhanh hơn người khác, người ta kèm cái phong bì vào hồ sơ để làm thủ tục… Cái sự xuề xòa ấy khiến xã hội mặc nhiên thừa nhận những sự phiền hà là một phần tất yếu của cuộc sống. Khi quá khó chịu vì bị hành thì trách móc pháp luật không nghiêm, chẳng ai thấy mình có một phần lỗi”. Tôi cãi: “Đành vậy, nhưng bác không cho người ăn xin ấy, anh ta tiếp tục sang bàn khác, có chăng sự từ chối của bác chỉ khiến anh ta phải mất thêm một chút thời gian”.
Bác giáo như thường lệ, không muốn tranh luận nữa thì lại nói rất dài, như để tôi ù tai mà im tiếng: “Một người xuề xòa cho xong việc, người khác xuề xòa theo, cả xã hội xuề xòa… Tôi nghiêm túc, người khác thấy tôi đúng, nghiêm túc theo, biết đâu tạo được một thói quen tốt cho cuộc đời. Tôi chỉ tiếc mình không phải người của công chúng để thái độ sống nghiêm túc của tôi là hình mẫu của người khác”.
Tôi định nói một câu, nhưng sợ bác ấy buồn, lại thôi. Mẹ nó biết tôi định nói gì không? Đó là: “Chính vì nghiêm túc nên bác không thành người của công chúng đấy. Các ngôi sao ca nhạc, diễn viên hài… cứ phải nhăng nhố một tý, tai tiếng một tí thì mới được chú ý, được nổi tiếng”. Không tin, tôi đố mẹ nó nhớ nổi tên của một nhà giáo nhân dân nào được công nhận trong 5 năm qua? Cho mẹ nó đi hỏi cả làng. Thử xem!./.