Cần biết mình đang nói với ai và nói cái gì

Có một điều rất đáng buồn, bu nó ạ, là bọn trẻ bây giờ nói tục nhiều quá. Bu nó cứ vào các quán bia hơi mà xem. Kinh khiếp.  

Ngày 20/1/2009

Gửi mẹ cái Mùa!

Có một điều rất đáng buồn, bu nó ạ, là bọn trẻ bây giờ nói tục nhiều quá. Bu nó cứ vào các quán bia hơi mà xem. Kinh khiếp. Bác Hồ đã có lần căn dặn: “Khi nói, cần phải biết mình đang nói với ai và nói cái gì”. Đáng sợ nhất là cái bệnh nói nhiều. Bác còn nhẹ nhàng trách những anh huyên thuyên: “Nói dai, nói dài, nói dại”. Hồi tôi mới về làm rể, ông ngoại con Mùa còn kể chuyện ngày xưa. Cuối năm, các quần thần đến tâu vua. Có vị sau khi nói, vua lôi ra chém đầu. Cũng chuyện đó, có vị nói, vua lại mang nhung lụa ban tặng. Sự khác nhau là ở cách nói. Nhắc chuyện của ông ngoại con Mùa, e xa xôi quá. Ông bà ta bảo: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Có khi chỉ vì một lời không thận trọng mà rồi mất bạn. Có khi cũng chỉ vì một lời nói mà rồi mất mạng nữa.

Theo dõi các vụ án, thật đau lòng, bởi đã từng có bao nhiêu vụ đâm chém nhau, dẫn đến cả việc giết người, mà nguyên do cũng chỉ vì một câu kích bác trong bữa nhậu. Làm người, ai chẳng phải tiếp xúc với nhau, trao đổi với nhau. Tất cả đều phải thông qua ngôn ngữ giao tiếp. Điều đáng tiếc là không ít người, nhất là bọn trẻ đã quá bừa bãi trong cách ăn nói. Nhiều đứa cứ mở miệng là văng tục, thậm chí đệm lót những câu cửa miệng mà ngay cả những người dễ tính nhất cũng không thể chấp nhận được. Điều đau xót nhất là cái bệnh tục tĩu này xuất hiện cả trong giới trí thức và những người có danh.

Ông giáo Bình ca thán với tôi, rằng ông ấy có một người bạn. Đó là một nhà báo nổi tiếng. Những trang viết của anh đều thanh sạch, trang nhã và rất hấp dẫn. Chỉ tiếc ngoài đời, cứ mở miệng là anh văng tục. Anh không phải người xấu. Thậm chí lại rất tốt, xét trên mọi phương diện. Nhưng cũng vì cái cách nói năng cẩu thả ấy mà ông giáo rất ngại ngồi với anh ở chỗ đông người. Ông Bình nhiều lần nói với anh: “Cậu phải cố gắng bớt nói tục đi. Những người đã biết cậu, hiểu cậu rồi thì không sao. Nhưng những người lần đầu mới gặp thì họ sẽ kinh hoàng, vì không hiểu chúng ta là loại người nào”. Anh bạn cũng hứa quyết tâm làm một người chiến sĩ bảo vệ "môi trường". Nhưng rồi ngà ngà hơi men, cái miệng đã thành tật lại biến anh hiện nguyên hình gã lục lâm thảo khấu. Anh bảo: “Quen mất rồi. Không nói tục, tớ thấy chua miệng lắm!” Thật đáng sợ, khi cái xấu, cái phi văn hoá trở thành thói quen. Quen rồi, người ta sẽ thấy bình thường, không dị ứng trước cái xấu nữa. Đó là điều rất đáng báo động bu nó ạ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên