Cần văn hoá sống của cộng đồng

Bác giáo Bình cho rằng việc vận động văn hoá giao thông chỉ giải quyết được vấn đề bề mặt. Còn về sâu xa, để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải vận động văn hoá sống của cộng đồng

Hà Nội ngày 15/10/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Lâu nay, mỗi lần tôi ngã xe, mỗi lần tôi phải nằm nhà vì va chạm khi tham gia giao thông, mẹ nó cứ xót xa rồi thắc mắc vì sao người thành phố văn minh, lịch sự, dân trí cao mà lại hay vi phạm Luật Giao thông đến vậy. Thú thực, nhiều khi tôi cũng chẳng biết phải trả lời làm sao cho nó đúng, bởi nguyên nhân thì rất nhiều. Bây giờ, tôi đã có thể chắc chắn rồi.

Mới đây, ở TP. HCM có một nhóm nghiên cứu đã khảo sát và công bố kết quả như sau: Theo đó, đã có 400 người tham gia trả lời câu hỏi được đặt ra: Vi phạm Luật Giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ do đâu? Kết quả là: 71,8% vi phạm vì không thấy công an canh gác, làm theo người khác (55%), vì vội công việc (54,3%), vì không bị phạt (28%), luật không nghiêm (27,8%), không biết Luật Giao thông (23%), lý do khác (6,5%).

Như vậy, việc vi phạm Luật Giao thông do không biết luật chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu ý thức tự giác, chỉ đi đúng luật khi bị lực lượng cảnh sát giao thông giám sát thôi. Đọc những số liệu ấy, chắc mẹ nó cũng quá hiểu vì sao ở thành phố, nơi người ta có dân trí cao mà vẫn vi phạm Luật Giao thông như thế. Còn tôi, tôi chẳng thắc mắc vì chuyện này, làm nghề xe ôm, ngày nào cũng phải đi ra đường, tôi chỉ quan tâm làm sao để tình trạng vi phạm không còn tái diễn nữa mà thôi.

Đọc cái nghiên cứu trên, nghĩ về cái mong muốn của mình thì tôi mới thấy vô vọng làm sao. 71,8% người vi phạm bởi vì không nhìn thấy công an. Đường phố mỗi ngày một mở rộng, lấy đâu ra công an để mà đứng khắp đường. Hồi trước có lần tôi đọc báo, thấy ở một cái nước nào đó có sáng kiến dựng người nộm cảnh sát ở ven đường để doạ người ta. Xem ra ở cái xứ ấy nhân dân cũng có nạn “khuất mắt trông coi” khi đi đường như người mình. Nhưng mà, sáng kiến ấy mà áp dụng ở mình thì có mà toi! Mấy bữa là các anh cảnh sát nộm sẽ bị vẽ râu ria đầy mặt như Bin Laden cho mà xem. Dân ta thiếu ý thức trong mọi chuyện chứ đâu phải mỗi lĩnh vực giao thông. Cái hồi thông xe hầm đường bộ Kim Liên đấy, con đường đẹp như thế, đắt tiền như thế mà được mấy bữa thì trên tường đã kín hình vẽ bậy.

Mà thôi, trở lại với chuyện điều tra về ý thức giao thông. Tôi ấn tượng mạnh với con số 71,8% vi phạm là do chẳng thấy mặt công an, còn bác giáo Bình thì cho rằng tệ nhất là 55% số người vi phạm là làm theo người khác. Bảo là a dua theo mốt, a dua cợt nhả thì còn hiểu được, đằng này a dua vi phạm luật, a dua gây nguy hiểm cho người khác thì thật hết chỗ nói. Bác giáo Bình bảo rằng cái sự a dua này không phải là vô thức. A dua vi phạm Luật Giao thông là sự a dua có chủ ý, thấy người ta vi phạm luật, mình không vi phạm thì sẽ bị thiệt nên mới theo.

Bác giáo Bình cho rằng việc vận động văn hoá giao thông chỉ giải quyết được vấn đề bề mặt. Còn về sâu xa, để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải vận động văn hoá sống của cộng đồng. Chỉ khi nào người ta bỏ được cái thói so đo hơn thiệt, bỏ được cái thói kèn cựa, tức là phải hết tính ích kỷ chỉ biết sống cho mình thì mới có thể nghĩ đến những thứ văn hoá khác. Bác ấy phân tích: “Ai bảo người thành phố văn hoá thấp hơn chú Cả Chiêm, nhưng sao ra đường họ vẫn cứ lấn đường của người khác, vẫn tranh thủ vượt đèn đỏ, vẫn dừng đỗ sai quy định để được hưởng chút bóng râm trên đường... Họ có nhiều kiến thức văn hoá hơn chú, nhưng họ ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình thôi”.

Tôi ngẫm ra, thấy bác ấy nói thế thì đúng quá! Nhưng mà làm sao để bỏ thói ích kỷ của thị dân bây giờ? Hình như đã qua rồi cái thời mà người ta sống với những lý tưởng cao đẹp, qua rồi cái thời mà người ta có thể hy sinh thân mình vì nghĩa lớn. Mà vì sao cái thời ấy nó lại qua đi nhanh chóng thế? Mẹ nó nghĩ hộ tôi xem nào!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên